Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em vào 2020 | |
Đưa nội dung chống xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội |
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình tại phiên họp sáng ngày 22/5 |
Theo đó, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp.
Cụ thể, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (cuối tháng 3/2021) tập trung vào việc tổng kết công tác nhiệm kỳ; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (cuối tháng 7/2021), chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (cuối tháng 10/2021) tập trung vào các nội dung chính về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và một số hoạt động giám sát.
Do vậy, việc dự kiến Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Chương trình.
Về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, hàng năm, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, quyết định chương trình giám sát của năm sau, trong đó bao gồm nội dung giám sát chuyên đề.
Đối với năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021-năm cuối nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét một số báo cáo khác theo quy định.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đồng thời, xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét một số báo cáo khác theo quy định.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Đồng thời, xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Báo cáo công tác năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Cùng với đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét một số báo cáo khác theo quy định", Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.