(CMO) Sau mười mấy năm trở lại, khu tái định cư tuyến T29 vẫn còn đó một nỗi buồn man mác. Ngần ấy năm trời nhận đất, nhận rừng, dù bộ mặt nông thôn có khởi sắc hơn trước nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Đất bỏ hoang là hình ảnh dễ dàng bắt gặp nhất khi đến đây.Tuyến T29 đi qua địa bàn 4 xã: Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm và Khánh Hội, huyện U Minh. Khu tái định cư tuyến T29 hình thành từ những năm 2002-2003, được đầu tư xây dựng đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt và hệ thống trường học, trạm y tế, hỗ trợ dân xây dựng nhà ở… Những năm đầu di dời dân, nơi đây được xem là điểm sáng giữa rừng U Minh, nơi an cư lạc nghiệp của gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc Khmer, hộ nghèo không đất sản xuất ở huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Thế nhưng, thấm thoát đã mười mấy năm trôi qua, giấc mơ đổi đời của người dân nơi đây vẫn chưa thành hiện thực. Số hộ nhận đất từ những ngày đầu khi mới hình thành phần đông đã sang bán lại. Mặc dù đã nhiều lần thay tên đổi chủ, nhưng dù người mới hay cũ, thì đa phần đều rất khó khăn do sản xuất không hiệu quả. Một trong những khu vực được xem là có điều kiện sản xuất khó khăn nhất toàn tuyến là đoạn từ 93 đến 96, thuộc Ấp 11, xã Nguyễn Phích. Đây được xem là khu vực đất trũng và nhiều phèn nhất, lại thêm ngập úng nên không thể canh tác lúa. Dạo một vòng quanh khu vực đất chú Bảy Lữ (Lê Văn Lữ), tôi càng hiểu rõ hơn vì sao mười mấy năm qua mà người dân vẫn phải chịu cảnh sống chung với cái nghèo. Nước ngoài kinh, trong ao đều đỏ au màu phèn thì cây lúa, cây bồn bồn... làm sao sống nổi.
Ông Bảy Lữ được xem là một trong những hộ "chì" nhất, còn bám trụ lại nơi đây. Sau 12 năm tham gia kháng chiến, khi hoà bình lập lại, ông rời quê hương Hồng Dân, Bạc Liêu, bôn ba để mưu sinh. Đến năm 2002, Ấp 11 này được gia đình chọn để thực hiện giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, đến nay đã bước qua cái tuổi 70 vẫn phải bươn chải cho cái ăn, cái mặc hằng ngày. Ông Bảy Lữ nhớ lại, khi mới về mỗi năm canh tác 1 vụ lúa năng suất cũng khoảng 17-18 giạ/công. Nhưng 6-7 trở lại đây sản xuất ngày một khó khăn hơn, vụ mùa năm 2016 cấy 3 lần cuối cùng không thu được gì. “Đầu vụ gieo giống dưới ruộng vừa tốt thì mưa xuống ngập chết, sau đó lên bờ gieo mạ mang xuống cấy, lúa vừa có đòng đòng mưa chụp, ngập chết hết. Mưa lớn vài ngày, chỉ trừ nền nhà ra còn lại đều ngập hết”, ông chia sẻ. Không canh tác được lúa, rừng thì chưa tới kỳ thu hoạch, ông cùng 6 người con (4 đứa đã có vợ chồng ra riêng) bươn chải đủ nghề để lo cho cuộc sống hằng ngày. Đã ở cái tuổi 70 nhưng ông phải đẩy từng cục đất xáng nạo vét tuyến T29 để đắp quanh nhà. “Có dịp này đắp cao được chút nào đỡ chút ấy, xem có thể trồng được cây gì không, chớ ở đồng ở ruộng mà giờ cái gì cũng mua thì sao sống nổi”, ông ngán ngẩm. Sau nhiều năm bám trụ với cây lúa nhưng không hiệu quả, đa phần người dân tuyến T29, đoạn từ 93-96, đã chuyển sang trồng tràm hay các loại cây trồng khác. Gia đình ông Bảy Lữ cũng vừa vay 25 triệu đồng để lên liếp toàn bộ diện tích đất lúa, dự kiến chuyển sang trồng chuối. “Cây lúa không thể bám trụ được, hy vọng cây chuối sẽ đỡ hơn, nhưng giờ phải chờ kiếm tiền mua giống”, ông cho biết. Kê liếp trồng tràm, hay cây trồng khác được xem là hướng đi mới của người dân nơi đây. Tuy nhiên, đó là trường hợp gia đình có điều kiện, còn hộ khó khăn hơn thì đang tiến thoái lưỡng nan. Gia đình ông Nguyễn Văn So cùng ấp là một ví dụ. Là thương binh 4/4, ông được Nhà nước giao 1,5 ha đất sản xuất ở khu vực này từ năm 2003. Đã qua tuổi lục tuần nhưng ông vẫn ì ạch đẩy từng xe đất để kiếm 100.000-150.000 đồng/ngày. “Làm thuê giờ là nghề chính nuôi sống gia đình”, ông So trải lòng. Ông tâm sự, cũng như để phân trần, vì sao có đất không làm, lại chọn cái nghề làm thuê nhọc nhằn đến thế: “Nhận đất đã hơn chục năm nay, năm nào cũng đổ vào hơn chục triệu làm ruộng nhưng có ăn đâu. Làm riết rồi giờ thiếu nợ ngân hàng trên 30 triệu đồng mà không biết khi nào trả hết. Làm lúa không hiệu quả nên năm ngoái chuyển sang trồng tràm, nhưng cũng không hiệu quả do không có điều kiện kê liếp". Theo người dân nơi đây, do đất bị ngập sâu lại thêm phèn nặng, nếu không kê liếp, ngay cả cây tràm cũng không sống nổi, huống gì cây lúa, cây bồn bồn. Gia đình ông Trần Văn Hường là một minh chứng. Nhà ở khu vực trung tâm xã Khánh Lâm, năm 2016, ông vào đây thuê 1,5 ha để trồng tràm với giá 40 triệu đồng trong vòng 12 năm. Ông Hường cho biết, mặc dù có kê liếp nhưng hơi thấp nên vào mùa mưa nước ngập sâu không trồng được, mãi đến gần Tết mới trồng nên tỷ lệ hao hụt quá cao. Được biết, tại khu vực này thời gian qua bà con được UBND huyện U Minh quan tâm xây dựng dự án cải tạo đất, kê liếp trồng tràm, bình quân mỗi hộ dân được vay từ 50 triệu đồng trở lên, có hộ vay đến 100 triệu đồng. Đến nay, cây tràm đang phát triển tốt. Tuy nhiên, để có thu nhập từ cây tràm, người dân phải chờ đợi từ 6-7 năm, thậm chí đến 10 năm, mới đến kỳ thu hoạch. Ông Bảy Đức (Hữu Văn Đức), người dân tộc Khmer, bày tỏ: "Gia đình tôi cũng chịu khó làm ăn, hết nuôi gà chuyển sang nuôi heo nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Bây giờ mỗi tháng phải đóng lãi ngân hàng tiền triệu, trong khi cây tràm vừa mới trồng năm rồi thì còn lâu mới tính đến chuyện khai thác. Vì thế, tôi và bà con ở đây mong muốn, Nhà nước xem lại mức lãi theo hướng ưu đãi cho người dân, nếu không, đến khi thu hoạch tràm cũng không đủ tiền trả lãi cho ngân hàng". Rời khu vực 96-93, tôi tìm đến đoạn từ 93-90, thuộc Ấp 15, xã Khánh Lâm, nơi mà người dân cho biết đất tốt và gò nhất toàn tuyến T29. Đây là khu vực trước kia bố trí phần đông cho đồng bào dân tộc Khmer. Quả thật đất khu vực này khá tốt, người dân có thể làm lúa 2 vụ với năng suất khoảng 4,5 tấn/ha. Tuy nhiên, đời sống người dân nơi đây cũng chẳng được cải thiện là bao. Ghé thăm anh Nguyễn Văn Nhưng, một người quen cũ, cũng như những hộ dân khác ở đây, gia đình anh được nhận 2 ha đất và được hỗ trợ căn nhà theo diện đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ gặp được cha vợ của anh là ông Phạm Văn Quân. Ông Quân cho biết, vợ chồng anh Nhưng đã đi Bình Dương làm công nhân 4-5 năm nay rồi, thấy nhà cửa, đất cát bỏ hoang nên ông về đây canh tác giữ đất, giữ nhà cho các con. Không chỉ có trường hợp gia đình anh Nhưng, ông Quân chỉ tay sang 2 căn nhà cặp vách, cho biết, một căn hiện đang cho thuê, một căn thì bỏ trống, tất cả đều đi Bình Dương làm công nhân. Câu chuyện nghe qua có hơi nghịch lý, đất thì rộng lại đạt năng suất lúa từ 4,5 tấn/ha trở lên là không hề thấp, tại sao lại bỏ đất, bỏ nhà đi làm thuê? Ông Quân giải thích: "Tuy năng suất cao nhưng chi phí đầu tư sản xuất cũng khá lớn, nhất là tiền bơm nước, nên lợi nhuận thu về chẳng là bao. Bên cạnh đó, hiện nay việc đi Bình Dương, Đồng Nai,… làm công nhân gần như đã trở thành trào lưu ở địa phương rồi. Từ đó, nạnh ai nấy đi, khu vực này giờ đâu còn được bao nhiêu thanh niên". Trước những khó khăn trong sản xuất của người dân, ngay đầu năm nay, tỉnh đã cho tiến hành nạo vét toàn tuyến T29 để tháo úng, xổ phèn ra biển qua cống T29. Dự án này đang nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây. “Hy vọng không còn cảnh ngập khi mưa, phèn sẽ giảm khi tuyến T29 được nạo vét khơi thông dòng chảy để người dân sản xuất ngày một hiệu quả, đời sống được cải thiện hơn, xóm làng ngày một sung túc”, ông Quân kỳ vọng. Nguyễn Phú
|