Bộ tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai tốt các công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Ảnh H.Vân. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu: Các Thủ trưởng đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; giao Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tập trung triển khai tốt các công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.
Cụ thể, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, chú trọng việc theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện đại chúng. Không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng dầu để tăng giá dây chuyền, không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá điện, xăng dầu vào giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ khác.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Sở Tài chính thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, gia cầm, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở các địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.
Ngoài ra, Sở Tài chính các địa phương cần phối hợp với Cục Thuế tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế và chuyển giá, chấn chỉnh công tác hoàn thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung chi không thiết thực, không chấp hành đúng quy định về thủ tục, hồ sơ, chế độ.
Cũng tại Chỉ thị, Bộ Tài chính đề nghị Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa dịch vụ công ích… Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng cùng một thời điểm, nhất là dịp trước và sau Tết.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách. Đồng thời, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách được gia hạn trong năm 2016 đến hạn phải nộp vào ngân sách. Công bố công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…
Riêng Cục Quản lý giá, phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp, nhằm kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, nhất là giá dịch vụ y tế, giáo dục, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; kịp thời báo cáo Bộ có biện pháp xử lý tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là dịp trước và sau Tết. Ngoài ra, Cục Quản lý giá phải triển khai các đoàn công tác đi kiểm tra, nắm tình hình thực hiện tại các địa phương.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh làm tốt chế độ báo cáo theo định kỳ (tuần, 15 ngày, tháng) gửi về Cục Quản lý giá. Đồng thời, Sở Tài chính các tỉnh phải báo cáo tình hình giá cả thị trường và công tác quản lý, bình ổn giá dịp Tết, vào thời điểm trước Tết (trước ngày 11/2/2018) và trong và sau Tết. Các cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ và các đơn vị thuộc Bộ cũng phải thực hiện chế độ báo cáo về Bộ. |