Tổng Biên tập Nguyễn Hữu Quý (ngoài cùng bên phải) chỉ đạo thực hiện báo Tết |
Dường như có một quy luật: Trong thị trường báo chí hiện đại,ướcchuyểnmìnhngoạnmụlịch thi đấu bóng đá qatar nếu tờ báo nào chỉ bước lên 2 bước, trong khi những tờ báo bạn bước 3 bước hay hơn nữa, chắc chắn sẽ tụt hậu, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Câu hỏi “đổi mới hay tụt hậu?” luôn là nỗi trăn trở của những người làm báo.
Thời gian trôi nhanh như “bóng câu qua cửa sổ”, chỉ vài cái chớp mắt thôi mà đã qua đi 5 năm kể từ thời điểm tháng 7/2012 Báo Công Thương ra mắt định dạng (format) mới, đồng thời tăng kỳ xuất bản từ 2 kỳ/tuần lên 3 kỳ/tuần - một cuộc “lột xác” ngoạn mục, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, về hình thức, nội dung, cách thức tổ chức, tư duy, phong cách làm báo...
Còn nhớ, cuộc ra mắt định dạng mới và tăng kỳ xuất bản của Báo Công Thương đã tạo ấn tượng rất đặc biệt với bạn đọc chỉ qua một nhận xét rất ngắn, rất dung dị mà cũng rất... hồ hởi: “Không nhận ra nổi Báo Công Thương nữa. Hoàn toàn mới, hoàn toàn khác biệt!”.
Với bạn đọc là thế, còn với những người làm Báo Công Thương, đó chỉ là bước khởi đầu của chặng đường đổi mới đầy khó khăn ở phía trước.
Nhìn lại những năm tháng từ điểm mốc tháng 7/2012 trở về trước, tờ báo Thương mại, sau là Công Thương, đã có những sự đổi mới nhất định, tuy nhiên, vẫn chưa được gọi là sự “lột xác” đúng nghĩa. Đặt mình vào thời điểm những năm đầu của thế kỷ 21, nhìn rộng ra toàn cảnh thị trường báo chí lúc bấy giờ, thấy rất nhiều tờ báo khác đã và đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu thế làm báo hiện đại. Những người làm báo Công Thương, đặc biệt là Ban Biên tập, tự nhận thấy sự tụt hậu nhãn tiền, không thể không đổi thay, không thể không làm một cuộc đổi mới toàn diện, căn bản, hướng tới hiện đại và bền vững. Và hơn tất cả, không lẽ một tờ báo kinh tế- cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, một Bộ đa ngành, quản lý cả một lĩnh vực kinh tế rộng lớn- lại không có sự đổi mới xứng tầm?
Với tư duy đó, một định dạng hoàn toàn mới cho tờ báo giấy đã được Ban biên tập “mặc định” sau nhiều tháng “đốt” không biết bao nhiêu nơ-ron thần kinh, tâm trí và sức lực. Tờ báo mới được in trên giấy trắng, thiết kế lại toàn diện, có thêm nhiều chuyên mục, định hướng bài biết ngắn gọn hơn, tin nhiều hơn, thông tin đa dạng, phong phú, phản ánh nhanh nhạy, chính xác các vấn đề “nóng” đáng quan tâm của ngành Công Thương, của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà bạn đọc quan tâm...
Nói thì đơn giản vậy, nhưng vào thời điểm đó, những trang báo thiết kế mới là những thách thức không nhỏ với đội ngũ biên tập viên, phóng viên, thiết kế mỹ thuật của báo. Có một nhà tâm lý học từng nói, tạo nên thói quen đã khó, thay đổi thói quen khó hơn nhiều. Với các nhà báo, thói quen cũ viết dài, tư duy tản mạn, viết theo ý thích chủ quan, phong cách làm báo kiểu “sa lông”, thiếu lửa, ngại dấn thân..., muốn thay đổi thật không dễ dàng.
Song, đại lộ mới đã mở, chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc “xuống đường” hoặc “rẽ ngang”. May mắn thay, những người làm Báo Công Thương đã cùng nhau “nhìn về một hướng... đi mới” dù biết gặp nhiều khó khăn, thử thách. Dần dần từng tí một, mưa dầm thấm lâu, từ sự chỉ đạo sát sao của Ban Biên tập, những cuộc trao đổi, làm việc cụ thể của lãnh đạo các phòng, ban với các phóng viên, những ý tưởng mới, những phát hiện thực tế mới của các phóng viên..., một phong cách làm báo mới dần được hình thành: Trong mỗi người làm báo Công Thương đã có sự “phân thân”- vừa là người viết, vừa là người biên tập, vừa là độc giả - một phong cách làm báo hiện đại, nói cách khác, đó là một sự “vượt qua chính mình”, phá bỏ những thói quen cố hữu đã “đổ bê tông” trong tư duy bấy lâu nay.
Từ đó, những tin, bài, ảnh đầy ắp tính thời sự của ngành Công Thương, các lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa được nhanh chóng phủ kín các trang báo, các chuyên mục lớn nhỏ. Cũng từ đó, các bài báo chuyên sâu, những trang chuyên đề về các lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, thị trường, kinh tế địa phương... - kết quả của các chuyến đi thâm nhập thực tế - liên tục xuất hiện... Cũng chính những bài báo đó đã truyền lửa đến đội ngũ biên tập viên, thiết kế mỹ thuật không quản ngại vất vả, không tính đếm thời gian sớm muộn để hoàn chỉnh những trang báo sao cho đẹp nhất, hấp dẫn nhất.
Và, mỗi khi một số báo mới được phát hành, những người làm báo Công Thương cầm tờ báo mới trên tay, niềm vui tỏa sáng khi có những bài báo hay, tạo hiệu ứng tích cực với bạn đọc, hoặc nỗi buồn khó giấu khi phát hiện những sai sót nào đó, những cuộc trao đổi thẳng thắn đầy tính cầu thị về nghiệp vụ viết báo, làm báo... đã trở thành “chuyện thường ngày ở tòa soạn”, tất cả đều nhắm tới một mục tiêu: Nâng tầm Báo Công Thương.
Nói tới việc nâng tầm Báo Công Thương không thể không nói tới cuộc “lột xác” giao diện Công Thương online năm 2013, từ một trang tin điện tử bình thường trở thành tờ báo điện tử có vị trí nhất định ngày nay.
Giao diện mới hiện đại, thông tin phong phú, nhanh nhạy, đặc biệt là các cuộc tọa đàm trực tuyến về các vấn đề kinh tế “nóng” với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các nhà báo đã đưa Báo Công Thương điện tử lên một tầm cao xứng đáng... Sau hai lần thay đổi giao diện, Báo Công Thương điện tử không dừng lại mà tiếp tục hướng tới những cuộc “lột xác” mới để trở thành một tờ báo đa phương tiện theo xu thế báo chí hiện đại.
Dân gian có câu: “An cư lạc nghiệp”. Tất cả những đổi mới, những thành quả mà Báo Công Thương có được ngày hôm nay một phần quan trọng nhờ có cơ sở vật chất của một tòa soạn hiện đại. Nhớ lại chỉ cách đây chưa đầy hai chục năm thôi, nhiều người làm Báo Thương Mại, Báo Công Nghiệp (nay là Báo Công Thương) không dám mơ tới một tòa soạn khang trang, được trang bị đầy đủ máy tính, có phòng họp trực tuyến hiện đại, phóng viên có đủ dụng cụ tác nghiệp... Ngày hôm nay, giấc mơ đã thành hiện thực, cộng với một thế hệ làm báo trẻ khỏe, nhiệt tình, trình độ nghiệp vụ cao, chắc chắn Báo Công Thương sẽ ngày càng “lạc nghiệp”.
Trong mỗi người làm Báo Công Thương đã có sự “phân thân” - vừa là người viết, vừa là người biên tập, vừa là độc giả - một phong cách làm báo hiện đại, phá bỏ những thói quen cố hữu đã “đổ bê tông” trong tư duy bấy lâu nay. |