游客发表
发帖时间:2025-01-10 07:50:09
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Tồn quỹ chủ yếu là nguồn ngân sách địa phương
Theo Bộ Tài chính, Ngân quỹ nhà nước được Kho bạc Nhà nước (KBNN) quản lý để đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù số tồn quỹ NSNN có tăng trong thời gian gần đây, song chủ yếu là tồn quỹ của ngân sách địa phương (NSĐP) do chi chuyển nguồn sang năm sau (chủ yếu là chuyển nguồn tăng thu NSĐP, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, vốn đầu tư các dự án chưa giải ngân) và kết dư NSĐP lớn.
Năm 2017 số chuyển nguồn của NSĐP là 245,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chuyển nguồn tăng thu NSĐP là 81,5 nghìn tỷ đồng, kinh phí cải cách tiền lương là 53,8 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư các dự án chưa giải ngân là 50,1 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, kết dư NSĐP là 129,1 nghìn tỷ đồng.
Năm 2018, ước tính số chuyển nguồn của NSĐP không thấp hơn năm 2017; trong đó, chỉ tính riêng số chuyển nguồn tăng thu, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và kết dư NSĐP, tổng 3 khoản này trên dưới 300 nghìn tỷ đồng.
Hiện Bộ Tài chính đang chỉ đạo KBNN tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước qua 2 năm thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ, để bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước được an toàn, hiệu quả hơn, tăng cường minh bạch, tiến tới các thông lệ tốt trên thế giới.
Huy động vốn cho NSTW
Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương (NSTW) Quốc hội quyết định, trên cơ sở rà soát khả năng huy động từ các nguồn (ngoài nước, trong nước), Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của NSTW. Trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cho KBNN huy động vốn thông qua phát hành TPCP để bù đắp bội chi và trả nợ gốc của NSTW.
Trong thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành TPCP bám sát kế hoạch nhiệm vụ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án, yêu cầu thanh toán chi trả các khoản nợ gốc đến hạn và tình hình tồn quỹ NSTW. Năm 2018, kế hoạch nhiệm vụ huy động vốn cho NSTW Quốc hội quyết định 342 nghìn tỷ đồng, trong đó đã giao cho KBNN kế hoạch phát hành TPCP là 276 nghìn tỷ đồng. Thực tế điều hành, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm mức phát hành TPCP xuống còn 191 nghìn tỷ đồng (giảm 85 nghìn tỷ đồng so kế hoạch đầu năm) để phù hợp với tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án và chi trả nợ gốc của NSTW, đồng thời duy trì tồn quỹ NSTW ở mức phù hợp, đảm bảo an toàn, thanh khoản của NSTW.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu, nên cân đối ngân sách có thặng dư. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành phát hành TPCP để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn. Tổng số đã phát hành được 91,3 nghìn tỷ đồng TPCP để chi trả nợ gốc của NSTW (chưa bao gồm 7 nghìn tỷ đồng phát hành nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo nghị quyết của Quốc hội), bằng 30,4% kế hoạch cả năm.
Một trong những định hướng của giai đoạn 2021 - 2026 Bộ Tài chính sẽ đề xuất là phải đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW. Đây là vấn đề cần quan tâm khi giai đoạn trước, thu NSTW chiếm trên 60% tổng thu, thu NSĐP khoảng dưới 40%, tuy nhiên đến nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 55% - 45%.
Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã đảm bảo điều hành ngân quỹ nhà nước chặt chẽ, chủ động phát hành TPCP, đảm bảo tiến độ cho giải ngân vốn xây dựng cơ bản và trả nợ gốc theo kế hoạch. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Minh Anh
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接