VHO- Lợi dụng các thương hiệu,êutròlừađảomớitrênkhônggianmạngThựchiệnnhiệmvụđểnhậnquàkết quả trận đấu roma hình ảnh trang phục được nhiều người yêu thích, gần đây một số đối tượng đã lập nick Facebook, Fanpage giả mạo các hãng thời trang như Elise, Tokyolife, YODY..., tung ra các chiêu trò lừa đảo như tri ân khách hàng, tuần lễ vàng... để chiếm đoạt tài sản cá nhân. Đáng lo ngại là các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi và ngang nhiên, khiến số người bị “sập bẫy” ngày càng lớn.
Một trang Fanpage lừa đảo - Chiêu trò dẫn dụ nạn nhân vào “mê hồn trận”
Dạo qua Facebook sẽ dễ dàng bắt gặp các Fanpage như: Quà tặng Elise, Tri ân - Khách hàng 2 (thương hiệu thời trang YODY), Chương trình khuyến mại (thương hiệu Tokyolife)... mời gọi người tham gia. Chỉ cần nhấp vào trang, tin nhắn sẽ tự động trả lời và hướng dẫn các cách thức tham gia nhận quà miễn phí. Rất nhiều “fan ruột” của thương hiệu thời trang Elise cho biết, họ đã bị “dính” quả lừa to đùng khi vào Fanpage Quà tặng Elise, chọn free 2 sản phẩm hiện đang bày bán tại các cửa hàng trên hệ thống. Sau khi chọn được sản phẩm, tin nhắn từ page phản hồi lại rằng: Phải qua nhóm telegram để “thực hiện nhiệm vụ” mới được nhận quà; mỗi nhiệm vụ sẽ được nhận tiền thưởng về tài khoản.
Ở 3 nhiệm vụ đầu, người tham gia phải nhấn vào các link quảng cáo sản phẩm trên YouTube, sau đó họ được nhận tiền thưởng từ 10.000 - 20.000 đồng về tài khoản cá nhân. Bỗng dưng được thưởng tiền ai mà không vui mừng, cộng thêm cái đích sẽ được nhận quà là trang phục ưa thích. Sang nhiệm vụ thứ tư, người tham gia được yêu cầu chọn một trong 4 gói đầu tư bằng cách nạp vào tài khoản do admin nhóm cung cấp với số tiền từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, kèm theo lời hứa sẽ được nhận hoa hồng bằng 1/3 số tiền đã nạp. Chứng kiến trong group rất nhiều nick chuyển tiền và đã nhận lại được cả vốn lẫn lãi... một số người nhẹ dạ đã không ngần ngại chuyển khoản. Nhưng rốt cuộc, sau khi chuyển tiền họ lập tức bị block ra khỏi nhóm. Nền tảng gửi tin nhắn trên Telegram có thể tự động xóa lịch sử từ 2 phía, không lưu lại bằng chứng nên rất khó truy vết tài khoản.
Đa số những nạn nhân bị lừa dưới hình thức tặng quà thời trang đều là phụ nữ bởi đây là các nhãn hàng mà họ yêu thích. Quản trị Fanpage của TokyoLife chia sẻ: “Ngoài trang tích xanh lâu nay đã quen thuộc với các khách hàng thì các trang có đính chữ “TokyoLife” đều là lừa đảo!”. Để khách hàng cảnh giác thì các hãng thời trang uy tín cũng đã ra những thông báo về các thủ đoạn của kẻ gian. Như hãng Elise đăng tải trên Fanpage và website của công ty: “Elise cảnh báo các thủ đoạn giả mạo hình ảnh, lợi dụng uy tín của thương hiệu Elise nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản như: Chương trình tuyển dụng bắt đóng tiền, mời chơi game nhận quà, tham gia sự kiện nhận quà... Elise khuyến cáo quý khách hàng nâng cao cảnh giác, không tham gia cũng như không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần gọi ngay hotline của Elise để xác minh thông tin...”.
Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Chuyên gia xã hội học nhận định: Với chiêu trò mạo danh nhãn hàng thời trang, kẻ gian đã lừa các chị em nhẹ dạ cả tin chuyển tiền theo yêu cầu để được nhận quà và tiền lãi. Có thể vài giao dịch ban đầu, chúng sẽ chuyển đầy đủ nhằm tạo niềm tin và khơi gợi lòng tham của nạn nhân. Nhưng càng về sau, số tiền giao dịch ngày càng lớn, bạn đương nhiên không nhận được lãi mà còn mất luôn cả tiền gốc. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nơi ở... cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần biết rằng “không có bữa ăn nào là miễn phí” và đừng hy vọng rằng tiền sẽ tự nhiên chạy vào tài khoản của mình!
Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (https://canhbao. khonggianmang.vn) thông tin, năm 2022 đơn vị đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến được báo cáo trên cả nước. Dù có nhiều cách thức triển khai khác nhau, nhưng hoạt động của kẻ gian được phân thành 2 loại hình chính là đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính. Trong đó, các vụ chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6%; lừa đảo để lấy thông tin chiếm 24,4%. Tuy nhiên, theo Bộ TT&TT, hành vi đánh cắp thông tin cá nhân chính là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, trong đó nhóm giả mạo thương hiệu chiếm 72,6%.
Hiện tại, các cơ quan chức năng như Công an TP Hà Nội, Cục an ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đưa ra khuyến cáo người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn nêu trên, để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu. Nếu nhận được thông báo trúng thưởng hoặc được tặng quà trên Facebook, kèm theo đường link yêu cầu đăng nhập, khai báo thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng… thì tuyệt đối không được truy cập và không khai báo bất kỳ thông tin nào. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không ai có thể bảo vệ mình hữu hiệu bằng chính mình.
HIỀN LƯƠNG