Nhiều khuyến nghị đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định, thanh toán chi tiêu công là một trong nội dung quan trọng của công tác quản lý tài chính công. Bên cạnh những kết quả đạt được thông qua hoạt động đánh giá chi tiêu công, chúng ta cũng thấy được tồn tại, hạn chế khó khăn, thách thức với công tác quản lý tài chính công, những xu hướng thay đổi cơ cấu chi ngân sách tổng thể cũng như trong một số lĩnh vực. Báo cáo đánh giá chi tiêu công đã đưa ra những khuyến nghị cần thiết để hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) một cách tích cực, hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, Báo cáo đánh giá chi tiêu công năm 2014 là lần thứ tư Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp cùng với các bộ, ngành và các nhà tài trợ, các địa phương để thực hiện. Trong lần này, Bộ Tài chính phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ KH-CN với các địa phương Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Nam, TPHCM và Cần Thơ. Báo cáo đánh giá chi tiêu công được xây dựng gồm 3 nhóm nội dung chính: đánh giá tổng quan về chi tiêu công; đánh giá chi tiêu công trong 5 lĩnh vực quan trọng (giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ); đánh giá chi tiêu công 5 tỉnh, thành phố nói trên. Thông qua việc phân tích, đánh giá các phương pháp khoa học của các chuyên gia trong nước và quốc tế, báo cáo chỉ ra những thành tựu của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm (2004-2014).
“Trong đó, đáng kể nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính tiền tệ giai đoạn 2009-2011, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, tăng thu thông qua việc cơ cấu thu ngân sách, thực hiện điều chỉnh chính sách quản lý thuế đơn giản, tăng minh bạch, chống thất thu. Chi NSNN được cơ cấu lại theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước đổi mới quản lý theo hướng tăng cường tự chủ tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu suất chi NSNN”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Từ đó, báo cáo cũng đưa ra 68 khuyến nghị nhằm giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cân nhắc lựa chọn những ưu tiên trong cải cách quản lý tài chính công để đem lại hiệu quả cao hơn. Sau khi rà soát và công bố năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn và phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu để triển khai thực hiện các khuyến nghị, định kỳ báo cáo kết quả tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay, nhiều khuyến nghị của báo cáo đánh giá chi tiêu công đã được luật hóa và đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực trong việc xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm theo hình thức cuốn chiếu, xây dựng Luật Quản lý nợ công mới và các văn bản hướng dẫn, lập báo cáo tài chính nhà nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, tập trung đầu tư các tuyến hành lang vận tải, các tuyến đường bộ trọng yếu, đường cao tốc, xử lý các điểm ách tắc... “Đến nay, 96% trong số 68 khuyến nghị đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó trên 60% các khuyến nghị này đã hoàn thành, chỉ còn 4% vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng, đảm bảo phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế của Việt Nam”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết. Báo cáo đánh giá chi tiêu công cũng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tư vấn cho Chính phủ hoạch định chính sách quản lý, cải cách tài chính công thời gian vừa qua. Cần cải thiện chất lượng và hiệu suất đầu tư công Phát biểu tại Hội nghị, bà Steffi Stallmeister, Giám đốc quản lý danh mục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm này vẫn có khả năng chống chịu cao, nhưng nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế đợt dịch thứ tư bùng phát. Khẳng định dịch Covid-19 khiến Việt Nam gặp cú sốc kinh tế lớn nhất trong 40 năm qua, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, năm 2021, GDP của Việt Nam dự báo chỉ đạt 2- 2,5%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đây. Theo bà Steffi Stallmeister, quá trình khôi phục kinh tế tiếp tục là ưu tiên trong thời gian tới, trong đó, tỷ lệ tiêm vắc xin cao đóng vai trò quan trọng trong khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tài khóa thắt chặt, giảm mạnh chi thường xuyên, chi đầu tư đã ảnh hưởng đến nhu cầu và quá trình khôi phục kinh tế. Chính phủ đã kích hoạt các gói kích thích tài khóa, nhưng không phải lúc nào các gói kích thích tài khóa được triển khai cũng phát huy hiệu quả. Do đó, bà Steffi Stallmeister nhấn mạnh, cần các biện pháp hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, hệ thống quản lý tài chính công cần hài hòa, đồng bộ hơn. “Tin mừng là Việt Nam có đủ dư địa tài khóa để thực hiện điều đó, đơn cử, nợ công đang ở mức 44% GDP, thấp hơn mức 60% Quốc hội đặt ra. Do đó, Chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn và chi tiêu tốt hơn”, bà Steffi Stallmeister nói. Để làm được điều đó, đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra nhiều khuyến nghị. Trước hết, hệ thống bảo đảm xã hội cần được tăng cường. Đây là điều quan trọng để xử lý hệ quả của đại dịch. Tăng mức hỗ trợ trong các chương trình hỗ trợ xã hội, đảm bảo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như thiên tai được hỗ trợ đầy đủ. “Hai là, trước khi chi tiêu nhiều hơn thì phải cải thiện chất lượng và hiệu suất đầu tư công để chính sách tài khóa đem lại tác động tích cực trong khôi phục kinh tế. Việc giải ngân nguồn vốn đến từ khu vực công đến thời điểm này vẫn thấp, trong 3 quý mới được 50%”, bà Steffi Stallmeister nhấn mạnh. Theo bà Steffi Stallmeister, hạn chế của Việt Nam không phải là dư địa tài khóa mà là sự cứng nhắc trong việc bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nâng cao sự linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn là điều cần ưu tiên, các quy trình phê duyệt cần được hài hòa, đồng bộ hơn nữa. Cần đẩy nhanh tốc độ lập kế hoạch, đấu thầu và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời khẳng định, mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 sẽ không thể đạt dược nếu không có cải cách thể chế cũng như triển khai hiệu quả các chính sách đã đề ra. |