游客发表
发帖时间:2025-01-25 19:26:48
Đến nay, số tiền nợ BHXH của các công ty trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục tỷ đồng. Con số này không chỉ thể hiện tình hình tài chính của các công ty đang gặp khó khăn mà còn nói lên thực trạng quyền lợi của công nhân đang bị xâm phạm.
Đìu hiu công ty thủy sản
Công ty Cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (Khóm 2, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) vốn là một trong những công ty chuyên ngành thủy sản được thành lập sớm và có quy mô lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Đến khu nhà ở của công nhân, chỉ thấy lác đác vài người ra vô phòng trọ.
Công ty Cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex đìu hiu sau hơn 30 năm hoặt động. |
Từ khi thành lập, công ty xây dựng nhà ở cho công nhân để đỡ một phần chi phí sinh hoạt và giúp công nhân an tâm gắn bó với công ty. Chị Nguyễn Hồng Luyến, một trong những người ở khu nhà ở công nhân lâu năm nhất, cho biết: “Lúc trước, có hàng ngàn công nhân ở trong khu nhà ở tập thể này, vui lắm. Mỗi phòng như vậy từ 6 đến 8 người. Nhưng dần dần công nhân nghỉ làm bỏ đi. Nhà ở cho công nhân bỏ trống rất nhiều, còn lại là do cả gia đình đều làm ở đây nên mới ở lại”.
Và khu nhà ở cho công nhân xuống cấp, vắng bóng người.. |
Chị Luyến từ xã Khánh Tiến, huyện U Minh đến đây làm công nhân từ năm 2001 và lập gia đình tại đây. Đồng lương không đủ nuôi sống nhà 4 miệng ăn nên đến năm 2014 thì chị xin nghỉ việc. Chồng chị cũng làm cho công ty 6 năm và nghỉ làm năm 2015. Cả hai vợ chồng chị đều đóng bảo hiểm đầy đủ cho công ty, nhưng từ khi nghỉ việc đến nay, cả hai vợ chồng vẫn chưa được nhận tiền bảo hiểm.
Còn cha chồng chị làm cho công ty đã hơn 5 năm nhưng lương chỉ có 2,5 triệu đồng/tháng. Chị Luyến bức xúc: “Lúc còn làm thì hai vợ chồng vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ, nhưng đến khi nghỉ thì không được trả tiền bảo hiểm. Nhiều lần lên công ty hỏi về vấn đề thanh toán bảo hiểm thì chỉ nhận được lời hứa suông rồi về”. Không riêng gì hai vợ chồng chị Luyến mà hàng chục công nhân đã nghỉ làm ở công ty vẫn tay trắng khi ra đi. Câu trả lời họ nhận được chỉ là những lời hứa hẹn, chờ và đợi.
Chị Tô Thanh Thủy cũng làm trong công ty Cadovimex từ năm 2002, đến tháng 10/2016 thì chị nghỉ và cuốn sổ bảo hiểm vẫn mất tăm. Hiện giờ chị làm công nhật cho công ty, mỗi ngày thu nhập cũng hơn 150 ngàn đồng mà không bị trừ chi phí nào. Chị Thủy chia sẻ: “Là công nhân nên tôi biết đóng bảo hiểm là để đảm bảo quyền lợi cho mình. Nhưng công ty thì không đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Dù công ty gặp khó khăn nhưng cũng phải thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi cho công nhân thì công nhân mới gắn bó lâu dài được”.
Anh Đoàn Thanh Phương, từng làm bộ phận kỹ thuật cho công ty Cadovimex hơn 12 năm. Với mức lương hơn 3 triệu đòng/tháng không đảm bảo cho cuộc sống gia đình nên đến năm 2014 thì anh xin nghỉ. Hiện giờ anh đang làm cho công ty TNHH MTV Quốc Đạt tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Anh Phương cho biết: “Đóng bảo hiểm hằng tháng chỉ thấy trừ trên bảng lương, chứ có thấy mặt cuốn sổ bảo hiểm ra làm sao đâu. Biết công ty gặp khó khăn, nhưng với mức lương như vậy thì không đủ sống và lo cho gia đình nên phải nghỉ để tìm chỗ tốt hơn. Còn số tiền bảo hiểm công ty nợ công nhân thì không biết bao giờ mới được nhận. Đa số công nhân đã nghỉ đi xứ khác làm ăn, không quan tâm đến số tiền bảo hiểm nữa, còn như một số người còn ở lại đây, vì gia đình họ còn người thân làm trong công ty cũng im lặng vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Hết năm này qua tháng nọ nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm hoặc giải quyết trước những thiệt thòi mà chúng tôi phải chịu”.
Hiện nay công ty Cadovimex đang gặp rất nhiều khó khăn, không đủ vốn để nhập nguyên liệu mà chủ yếu nhận gia công cho các công ty khác. Chỉ còn khoảng 50 công nhân chính làm việc và khoảng 20 công nhân làm công nhật.
Ai bảo vệ quyền lợi công nhân?
Lương tăng nhưng cuộc sống công nhân vẫn không khá hơn là mấy, các khoản phụ cấp, hỗ trợ ngày một ít đi, chị Huỳnh Mỹ Linh, công nhân công ty Cổ phần Chế biến thủy ản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) phải dành dụm, cắt vén trong việc chi tiêu. Chị làm công nhân cho công ty Camimex từ năm 2003, phải thuê đất cất một căn nhà vách lá ở tạm với giá 1 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến nay, mức thu nhập và quyền lợi người lao động trong công ty không rõ ràng. Bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng đến hơn 6 giờ chiều, chị và các công nhân khác chỉ được ra ngoài ăn trưa 45 phút, xong vào cúi mặt tiếp tục công việc.
Chị Huỳnh Mỹ Linh, công nhân Camimex nghỉ việc hơn 1 tháng vẫn chưa được thanh toán bảo hiểm. |
Chị Linh bức xúc: “Làm suốt từ sáng sớm tới chiều tối, ăn theo sản phẩm mà không biết được số tiền mình làm được, đến tháng phát lương bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Khi nộp đơn xin nghỉ thì họ nói phải đợi duyệt hồ sơ mới được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Còn BHXH thì từ lúc vô làm đến nay vẫn đóng đầy đủ mà xin nghỉ hơn 1 tháng nay vẫn chưa được thanh toán tiền bảo hiểm”.
Chị Nguyễn Việt Xuân, công nhân công ty Camimex cũng trong cảnh tương tự. Làm việc từ năm 2000, đến đầu năm nay, chị đi khám bệnh và phát hiện mình bị hở van tim. Thấy sức khỏe không đảm bảo, chị làm đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay, chị Xuân vẫn chưa được thanh toán BHTN và BHXH với lý do đơn của chị vẫn “chưa hoàn tất thủ tục”.
Chị Xuân ấm ức: “Phần lớn là tăng ca đến 7 – 8 giờ tối mới về, nhưng lương ăn theo sản phẩm, nhận được thì không có bao nhiêu, trong khi mỗi người làm thành thạo cũng hơn trăm ký tôm/ngày. Khi xin nghỉ thì công ty tìm cách tránh né. Đến khi công nhân không chờ nổi thì tự nghỉ và không được nhận BHTN, BHXH. Muốn đòi quyền lợi nhưng không biết bắt đầu từ đâu và nhiều người ngại phiền phức hồ sơ, giấy tờ nên đành chịu thiệt thòi”.
Bà Nguyễn Như Băng, Chủ tịch Công đoàn Camimex thừa nhận, hiện công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là từ khi cổ phần hóa. Số nợ ngân hàng liên tục tăng và số tiền nợ bảo hiểm của công ty hơn 12 tỷ đồng, rất khó để thanh toán hết cho công nhân.
Hiện số công ty trụ vững sau thời gian dài hoạt động còn rất ít. |
Theo BHXH tỉnh Cà Mau, tinh đến ngày 31/05/2017, toàn tỉnh có hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 55 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số lao động lớn, nợ lâu, trong khi vẫn chưa trả nợ cũ lại chồng thêm nợ mới. Ông Trịnh Trung Kiên, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Không ít nơi khi người lao động đòi được hưởng quyền lợi hoặc khi cơ quan bảo hiểm thúc thì doanh nghiệp xoay sở bằng cách nộp tạm một phần đang nợ đọng rồi sau đó lại tiếp tục khất nợ hết lần này sang lần khác. Một lý do khác khiến doanh nghiệp nợ tiền BHXH kéo dài là lãi nợ BHXH thấp hơn lãi suất vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chiếm dụng. Hiện cơ quan BHXH tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra tòa đối với các doanh nghiệp nợ quá lâu hoặc cố tình trốn tránh trả nợ”.
Mơ Thảo
Theo số liệu thống kê từ LĐLĐ tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 57.975 công nhân, viên chức, người lao động. Trong đó, có 20.590 công nhân lao động ngoài Nhà nước với hơn 2.400 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 125 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở. Ông Trần Thanh Phong, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau cho biết: “Phần lớn, các doanh nghiệp hoạt động với quy mô nhỏ, số lượng công nhân không nhiều nên việc thực hiện đầy đủ quyền lợi cho công nhân, người lao động chưa được chú trọng, đặc biệt là chế độ BHXH. Thực trạng nợ đóng BHXH cho người lao động, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên khá phức tạp. Khi các đơn vị nợ bảo hiểm đồng nghĩa với việc người lao động trong doanh nghiệp sẽ thiệt thòi nhiều về quyền lợi chi trả BHXH, nhất là khi ốm đau, hưởng chế độ thai sản, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện chế tài xử lý doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm còn nhẹ và việc thực thi đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều đơn vị nên doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm và chưa có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng này”. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接