Nhà nghiên cứu Trần Hoàng
Tìm những góc khuất
Trong giới nhiếp ảnh Huế,ạmvàocuộcsốkq bóng đá la liga nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Văn Tý là gương mặt quá quen thuộc. Ông được xem là nghệ sĩ bậc thầy với nhiều tước hiệu: E.VAPA (Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc), ES.VAPA (Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc) và A.FIAP (Nghệ sĩ của Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế). 20 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, 10 năm là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, NSNA Phạm Văn Tý không có nhiều thời gian dành cho sáng tác. Năm nay, ông ghi dấu sự trở lại bằng bộ ảnh đậm giá trị nhân văn “Lỗi lầm và sự quan tâm” được tặng thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT.
“Lỗi lầm và sự quan tâm” gồm 15 bức ảnh được NSNA Phạm Văn Tý lựa chọn trong hàng ngàn bức ảnh chụp về những người nhiễm H ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Huế. Thể hiện chân thực và sinh động nỗi đau của những người nhiễm H, bộ ảnh chạm đến góc khuất của cuộc sống. Ở những khu ổ chuột, trong ngôi nhà bỏ hoang có những mảnh đời bất hạnh đang rơi vào tận cùng nỗi đau. Họ được chăm sóc, đùm bọc bởi nhóm đồng đẳng, được sẻ chia, động viên bởi những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.
Từ nỗi ân hận muộn màng được thể hiện trên nét mặt, ánh mắt của người nhiễm H; sự đau đớn, thất thần của người phụ nữ còm cõi bị lây nhiễm từ chồng; những ánh mắt cầu cứu, gửi gắm niềm tin vào sự trợ giúp của cộng đồng đến vòng tay yêu thương của những nữ tu và cả ánh mắt ngây thơ, chứa chan hy vọng của những đứa trẻ có cha mẹ nhiễm H… có thể chạm đến trái tim của bất kỳ ai được xem bộ ảnh.
Tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian làng biển Bình Trị Thiên của nhà nghiên cứu Trần Hoàng
Một bức ảnh chụp ở Hà Nội là hình ảnh nhóm thanh niên nhiễm H, phiêu bạt giang hồ sống trong một ngôi nhà hoang. Một người lên cơn sốt, những người còn lại tự đi mua thuốc về truyền dịch cho nhau. Họ sống cô độc, không có trợ giúp từ bên ngoài. Xót xa nhất là hình ảnh một đôi tình nhân cùng bị H khi chỉ mới ngoài 20, lặng lẽ ngồi bên nhau ở góc chùa. Lại có những người nhiễm H ở Huế nhưng vẫn rất yêu đời, quay trở lại cuộc sống lao động. Bộ ảnh kết thúc bằng bức ảnh “Niềm tin”, khắc họa ánh mắt mong đợi của một bé gái, con của đôi vợ chồng bị nhiễm H, với niềm mơ ước nhỏ nhoi: có chiếc xe đạp để đến trường.
Ông Phạm Văn Tý xúc động khi lật từng bức ảnh: “Đi vào góc khuất của cuộc sống mới thấy có những điều thật khủng khiếp, những việc làm nhân ái đến bất ngờ. Với chủ đề này, tôi tận mắt chứng kiến sức “tàn phá” của căn bệnh thế kỷ, thật quá xót xa! Nhiều người còn rất trẻ, có người giờ không còn sống. Họ đã trả giá đắt cho những lỗi lầm, thậm chí bằng mạng sống”.
Bộ ảnh được NSNA Phạm Văn Tý thể hiện dày công trong nhiều năm. Ông cho biết, đây là may mắn khi ông được hợp tác với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam). Đây là lần đầu tiên, NSNA Phạm Văn Tý thực hiện bộ ảnh đặc biệt này, gây xúc động lớn với ông khi bấm máy. Trong điều kiện khó khăn về ánh sáng do đa phần chụp trong phòng bệnh, không thể dùng phương tiện hỗ trợ, bộ ảnh vẫn khắc họa rõ nét những góc tối của cuộc sống cùng những khoảnh khắc xúc động, nhân văn về tình người. Nghệ sĩ cho biết: “Trước mắt, tôi chưa thể công bố rộng rãi bộ ảnh này. Nếu được phổ biến, nó sẽ góp tiếng nói mạnh mẽ cảnh tỉnh mọi người tránh xa tệ nạn, nhất là các bạn trẻ. Tôi muốn tổ chức triển lãm về chủ đề này khi được sự đồng ý của NCA Việt Nam”.
Bắt đầu sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 1990, chủ đề chính NSNA Phạm Văn Tý thường thể hiện là những khoảnh khắc cuộc sống, tình cảm giữa người với người. Ông chia sẻ, cũng nhờ nhiếp ảnh, ông mới hiểu, chạm vào cuộc sống nhiều hơn.
Cuộc sống con người là chủ đề luôn thu hút ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý
Sâu nặng với đất và người làng biển
Năm nay, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng ra mắt độc giả tập sách “Văn hóa dân gian các làng biển Bình Trị Thiên” (NXB Đại học Huế), được tặng thưởng hàng năm của Liên hiệp các Hội VHNT. Ngoài phần tổng quan về vùng đất Bình Trị Thiên, cuốn sách thể hiện rõ nét văn hóa dân gian các làng biển từ quá trình hình thành, cảnh quan, các ngành nghề đến cách tổ chức, sinh hoạt gia đình, gia tộc, làng xóm, sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân làng biển.
Chia sẻ về quá trình “thai nghén” tác phẩm, nhà nghiên cứu Trần Hoàng cho hay, đây là sản phẩm của quá trình tích lũy tư liệu mấy mươi năm qua. Là con của một làng quê ven biển ở tỉnh Quảng Bình, từ thuở còn là cậu học sinh nhỏ ở trường làng, nhà nghiên cứu Trần Hoàng đã được thụ hưởng bao giá trị văn hóa của quê hương miền biển. Gần 40 năm giảng dạy văn học dân gian ở Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế, ông thường xuyên đi điền dã khắp các làng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân. Những tháng ngày cùng ăn, cùng ở với bà con ngư dân, ông càng “thấm” văn hóa, đời sống, nếp sinh hoạt của vùng biển. Dần dà, những làng biển Thuận An, Mỹ Lợi… trở thành mảnh đất thân thuộc mà mỗi lần trở lại, ông cảm thấy như được trở về ngôi làng mình đã sinh ra và lớn lên.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý. Ảnh: NVCC
Nhà nghiên cứu bộc bạch: “Cuộc sống của gia đình nơi chôn nhau, cắt rốn, thực tiễn của những chuyến điền dã cho tôi nhiều hiểu biết, tri thức mới mẻ về văn hóa dân gian các làng biển. Càng nghiên cứu, văn hóa làng biển càng có sức hút, từ việc ăn, mặc, ở, đánh bắt, làm muối, làm nước mắm đến tục thờ cá Ông Voi, lễ hội cầu ngư, các câu hò kéo lưới, hò hụi, hò khoan… Đó là sắc thái riêng của dòng văn hóa do chính những người dân suốt đời gắn bó với biển tạo nên và truyền lại đến ngày nay”.
Theo nhà nghiên cứu Trần Hoàng, làng biển ở Thừa Thiên Huế đều có những nét tương đồng với Quảng Bình và Quảng Trị. Tuy vậy, vẫn có sắc thái riêng của văn hóa Kinh đô. Sinh hoạt của cư dân làng biển ở Thừa Thiên Huế vừa mang tính dân gian lại có nét bác học, thể hiện qua đền miếu thờ phụng, lễ nghi được thực hiện rất quy củ.
Góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị cao đẹp, đặc sắc riêng có của văn hóa dân gian các làng biển, thông qua tác phẩm này, tác giả còn đề xuất ý kiến vào việc gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy cái hay, cái đẹp của dòng văn hóa dân gian này. Năm nay, dù đã ở tuổi 76 nhưng niềm đam mê nghiên cứu, những chuyến điền dã lên rừng, xuống biển với nhà nghiên cứu Trần Hoàng chưa bao giờ vơi cạn!
TRANG HIỀN