“Cắt nhầm” hay bệnh lý?ácsỹcắtnhầmláláchmộtsảnphụlich thi dau uc
Vào khoảng 19h ngày 07/11/2013, sản phụ Trương Thị Phương, 20 tuổi, quê xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã nhập viện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ tại đây đã chẩn đoán ban đầu cần phải mổ.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm, các chỉ số xét nghiệm trước khi sinh đều bình thường. Đến 22h30 cùng ngày, sản phụ Phương đã được ekíp mổ gồm: bác sỹ Nguyễn Thị Lan (mổ chính) và bác sỹ Nguyễn Việt Anh (mổ phụ) (cả 2 bác sỹ này đều thuộc khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) thực hiện ca mổ.
Tuy nhiên, sau khi mổ lấy cháu bé ra, sản phụ đã bị dập lá lách. Bác sỹ Dương Thị Bế, Trưởng Khoa Sản và bác sỹ Bùi Gia Lượng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là người trực tiếp xem xét và tiến hành cắt lá lách của bệnh nhân ngay trong đêm ngày 07/11. Được biết, hiện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã đưa mẫu đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Gia Thức, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: "Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đưa mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm nhằm làm rõ nguyên nhân của vụ việc. Đồng chí phụ trách đang đi học lớp chính trị, khi nào có kết quả thì mới trả lời được. Hiện tại, có gì đâu mà phản ánh và chưa có thông tin thì nói gì được. Khi đánh giá một vấn đề không đơn giản và chúng tôi nấn ná để chờ kết quả xét nghiệm".
Hậu quả của việc cắt lá lách
Trong cơ thể người, lách nằm ở phần trên bên trái ổ bụng trong một khoang tiếp giáp giữa cơ hoành, dạ dày, thận trái và đại tràng, cân nặng từ 150 – 200g. Bình thường lách không sờ thấy, mặc dù đôi lúc có thể sờ được ở trẻ em và người gầy. Khi lách có chiều dài hơn 11cm hoặc cân nặng hơn 400g thì được gọi là lách to.
Lách có các chức năng quan trọng như làm sạch các vi trùng và các vật thể lạ từ dòng máu; khởi động và kiểm soát các đáp ứng miễn dịch của cơ thể như sản xuất các kháng thể, tổng hợp properdin, tuftsin; tiêu huỷ các tế bào máu hư hoặc già cỗi. Ngoài ra, lách còn là kho dự trữ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu để sẵn sàng phóng thích vào hệ tuần hoàn khi cơ thể yêu cầu. Trong tình huống đặc biệt, lách cũng làm chức năng tạo huyết, đây chính là chức năng rất quan trọng mà lách đã đảm trách trong giai đoạn bào thai.
Mặc dù có nhiều chức năng quan trọng nhưng trong nhiều tình trạng bệnh lý hoặc chấn thương, bác sĩ phải cắt bỏ lách để điều trị bệnh, thường gặp là: Các thương tổn ngoại khoa: chấn thương (Hiện nay, ngoại trừ vỡ lách nặng, đa số vỡ lách được điều trị không mổ hoặc mổ với phương pháp bảo tồn lách); ung thư (ung thư lách, ung thư các tạng di căn lách hoặc xâm lấn lách); các thương tổn lành tính tại lách: nhồi máu, áp xe, nang, xoắn… Các bệnh nội khoa: cường lách nguyên phát hay thứ phát, gây giảm một hoặc cả ba dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; các bệnh bẩm sinh về hồng cầu làm thiếu máu do hồng cầu bị tăng cường phá huỷ ở lách như: bệnh Thalassemia thể nặng, bệnh hồng cầu hình liềm, hồng cầu hình cầu,… Các bệnh mắc phải của hệ huyết học: thiếu máu tán huyết tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, bệnh bạch cầu,…
Trẻ em khi cắt lách thường dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng máu bởi vi khuẩn, chủ yếu do Pneumococcus, Meningococcus và Hemophilus influenzae. Cắt lách ở người lớn ít gây ảnh hưởng hơn nhưng cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết hoặc du khuẩn huyết. Khoảng 75% người cắt lách có số lượng tiểu cầu tăng cao hơn 400.000 và một số có thể hơn 1.000.000/mm3 (số lượng tiểu cầu bình thường là 300.000/mm3). Tăng tiểu cầu có nghĩa tăng nguy cơ gây ra cục máu đông trong hệ thống mạch máu, tuy nhiên tiểu cầu tăng ở người cắt lách thường không làm tăng nguy cơ thuyên tắc mạch. Riêng với bệnh nhân rối loạn tăng sinh tuỷ, tiểu cầu tăng sau cắt lách sẽ thật sự làm tăng nguy cơ thuyên tắc mạch, cần điều trị với thuốc kháng tiểu cầu. Ngoài ra, sau cắt lách còn có thể tăng nguy cơ đái tháo đường, giảm bạch cầu đa nhân, tăng hồng cầu,…
Như vậy, với công nghệ tiên tiến hiện nay (kể cả việc bị to lá lách) rất hiếm khi phải cắt bỏ lá lách, bởi nó để lại hậu quả rất khôn lường.
Theo KTNT