(CMO) Sau 1 năm làm việc vất vả, đêm giao thừa đón năm mới là thời điểm mọi người trong gia đình có dịp quây quần sum họp bên nhau. Thế nhưng, niềm hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy không phải ai cũng có được, bởi đối với các bác sĩ, những người làm trong nghề y thì những bữa cơm bên gia đình rất hiếm. Họ phải túc trực trong bệnh viện để sẵn sàng chữa trị, cấp cứu cho bệnh nhân. Họ chấp nhận hy sinh niềm hạnh phúc cá nhân, vì sức khoẻ, sinh mạng của người bệnh.Luôn sẵn sàng Sáng 30 Tết, Bác sĩ Trần Thiên Lý, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh vào bệnh viện để thực hiện ca trực của mình. Trước đó mọi công việc gia đình, bánh, mứt… chuẩn bị cho những ngày Tết đã được hoàn tất để toàn tâm toàn ý chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ Lý tâm sự: “Là phụ nữ thì phải chu toàn việc gia đình nên trước Tết mình phải cố gắng chuẩn bị hoàn tất công việc nhà, sẵn sàng bước vào những ngày trực Tết căng thẳng. Năm nay, sáng 30 Tết mình đã vào bệnh viện trực, mùng 1 về nhà được 1 ngày rồi vào trực tiếp. Làm nghề này thì mình phải chấp nhận thiệt thòi, việc không được đón giao thừa với gia đình là bình thường, tất cả cũng vì sự an toàn của bệnh nhân”. Năm nay, số lượng bệnh nhi nhập viện ở khoa chị Lý khá đông và phần lớn là bệnh nặng, có ca phải thở máy nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của ê-kíp trực nên tình hình ổn định, không có vấn đề đáng tiếc xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Việt Trí, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Các bác sĩ, nhân viên bệnh viện đều có tinh thần tự nguyện cao. Những người đã ra trực hoặc ứng trực đều sẵn sàng vào bệnh viện khi có yêu cầu nên những ngày Tết, mặc dù vui nhưng anh em không dám đi đâu xa, không vui chơi quá đà để khi có nhiệm vụ đột xuất luôn có mặt kịp thời với tình trạng thể chất và tinh thần tốt nhất. Nghề này có cái thiệt thòi là không ai được hưởng Tết trọn vẹn, nhưng khi đã chọn thì mỗi người đều ý thức và chấp nhận”. Vui cười thoải mái với chúng tôi khi chia sẻ về những ngày “Tết ở bệnh viện”, Bác sĩ Trần Thanh Diệu, Phó trưởng Khoa Sản bệnh Bệnh viện Sản - Nhi, chia sẻ: “Ngày Tết cũng như ngày thường, sản phụ đến ngày thì sinh thôi nên mỗi người đều ý thức là gác lại các nhu cầu của bản thân để tập trung cho bệnh nhân. Mặc dù cực một chút nhưng tất cả vì bệnh nhân”. Bác sĩ Nguyễn Việt Trí cho biết: “So với ngày thường tuy có giảm chút ít nhưng những ngày Tết trung bình mỗi ngày cũng có khoảng 20 ca, cả sinh mổ và sinh thường. Công việc này chỉ có ê-kíp trực thực hiện nên vất vả hơn do không có sự hỗ trợ của bộ phận khác. Chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm với bệnh nhân, vì sức khoẻ của các bệnh nhi cũng như những mầm sống mới sắp chào đời nên dù không được đón Tết trọn vẹn, không được đón giao thừa bên gia đình thì anh em cũng vui vẻ bởi nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân vẫn là quan trọng nhất". Vui buồn cùng người bệnh Nhớ lại kỷ niệm những lần trực Tết, Bác sĩ Trần Thanh Diệu cho biết: “Có lần cũng ngày 30 Tết, ê-kíp chỉ có 2 bác sĩ trực gồm mình và Bác sĩ Trí, bệnh nhân đông nên cả ngày làm suốt không kịp ăn cơm chiều. Khi bệnh nhân ít, định chia nhau về ăn cơm nhưng đến 5 giờ chiều thì bệnh nhân chuyển lên đông. Vậy là từ lúc 5 giờ chiều hai chị em phải mổ liên tục gần 20 ca, đến 1 giờ sáng hôm sau mới xong, trong khi cả hai không có hột cơm nào trong bụng. Cực thế nhưng sau này nhớ lại nó trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong những lần trực Tết của hai chị em”. Bác sĩ trực không chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân, đôi khi còn kiêm luôn cả người bạn, người thân chia sẻ vui buồn với gia đình, thân nhân người bệnh.
Chị Đào Mỹ Nương, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, Tết năm nay phải ở lại bệnh viện để chăm sóc con bị viêm não phải thở máy điều trị từ trước Tết, tâm sự: “Ai cũng muốn con mình khoẻ mạnh, Tết bé không được đưa đi chơi với anh em hay về thăm ông bà mà phải ở trong bệnh viện thế này thì buồn lắm. Các bác sĩ ở đây rất thân thiện, nhiệt tình chăm sóc con mình, luôn quan tâm, trò chuyện chia sẻ những lúc rảnh rỗi nên cũng vơi bớt phần nào nỗi buồn”. Cùng tâm trạng trên, chị Lê Thu Thuỷ ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, cho hay: “Bé nhập viện từ hôm 22 tháng Chạp đến giờ. Những ngày Tết chăm con trong bệnh viện nhờ sự nhiệt tình, vui vẻ của các bác sĩ nên cũng thấy an ủi phần nào. Ở đây, các bác sĩ coi mình như người thân trong gia đình nên cũng ấm lòng trong những ngày Tết”. Nói vậy chứ không phải lúc nào việc trực Tết cũng thuận lợi. Bác sĩ Trần Thanh Diệu nói: “Trực Tết, nhiều lúc làm việc suốt đến tối chưa được ăn nên phải tranh thủ ăn tại bệnh viện. Tuy nhiên, phải "lén" không cho người thân bệnh nhân thấy, bởi có người hiểu thì không sao, nhưng có người con bị trở nặng, đến gọi thấy mình đang ăn lại cự nự, khó dễ. Họ đâu nghĩ tới việc mình đói quá do chưa kịp ăn uống gì!”. Bữa cơm trong bệnh viện của ê-kíp trực vì thế cũng không trọn vẹn. Trực Tết của các bác sĩ, nhân viên y tế cực là thế, nhưng với họ, trách nhiệm với nghề, với bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Đêm giao thừa, khi mọi người quây quần bên gia đình đón năm mới, thì các bác sĩ trực đang căng thẳng cứu chữa bệnh nhân. Vì nhiệm vụ cao cả ấy, họ sẵn sàng hy sinh niềm vui, hạnh phúc bên gia đình những ngày Tết để đem đến sức khoẻ, niềm vui cũng như hạnh phúc cho gia đình, thân nhân người bệnh./. Đặng Duẩn |