Quý II - xuất khẩu cà phê sẽ khó khăn | |
Giảm cầu vì Covid-19, giá cà phê “chạm đáy” trong 10 năm |
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm đạt 654 nghìn tấn và 1,11 tỷ USD, tăng 3,7% về khối lượng và tăng 1,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Đức, Ý và Mỹ tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 16% (133,7 triệu USD); 8,6% (72,2 triệu USD ) và 8,5% (70,7 triệu USD).
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 1.648 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường thế giới, tại sàn giao dịch New York sau nhiều phiên tăng liên tiếp, cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5/2020 giảm mạnh, giao dịch ở mức 2.448 USD/tấn, giảm 5,27% so với tháng trước. Giá cà phê Robusta giao tháng 5/2020 thị trường London giảm 102 USD/tấn xuống còn 1.084 USD/tấn.
Lý do giá cà phê giảm được lý giải bởi, tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm dưới tác động của đại dịch Covid-19 và sức ép bán hàng vụ mới từ Brazil.
Ngoài ra, giá cà phê cũng chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tỷ giá của đồng Real của Brazil (Brl). Sự mất giá của đồng nội tệ Brazil tạo ra sức cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu nước này trên thị trường cà phê thế giới đồng thời gây sức ép lên giá cà phê toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm khiến các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo làm giá giảm sâu trên khắp các thị trường hàng hóa.
Theo dự báo của Tổ chức Cà phê thế giới, lượng tiêu thụ cà phê thế giới năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,95% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sức ép bán hàng vụ mới gia tăng mạnh từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil làm giá cà phê thế giới cũng như cà phê trong nước sẽ còn trì trệ kéo dài cho tới hết niên vụ cà phê 2019/2020.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Xuân Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cà phê Việt Nam – Công ty TNHH MTV, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định, chuỗi các cửa hàng cà phê, nhà hàng là kênh tiêu thụ lớn nhất hiện nay.
Thay vì ký hợp đồng mới, hiện các nhà rang xay đang tăng cường sử dụng hàng tồn kho trước đó. Điều này liên luỵ đến toàn hệ thống sản xuất, xuất khẩu. Hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp cà phê cũng bị thu hẹp lại khá nhiều.
“Lượng tiêu thụ của các chuỗi quán cà phê trên thế giới chỉ còn ở mức khoảng 20% so với bình thường. Doanh nghiệp tôi hiện cũng đang rất khó khăn trong việc chào hàng với đối tác. Trong quý II, ngành cà phê Việt Nam có thể sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Tôi lo ngại sẽ xảy ra một cuộc biến động giá rất mạnh trong giai đoạn này khi lượng tiêu thụ hạn chế”, ông Thắng nói.
Bên cạnh các yếu tố kém khả quan, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dẫn thống kê của Tổ chức Cà phê thế giới nêu rõ, mặc dù cà phê thế giới niên vụ 2019/2020 ước thặng dư khoảng 8 triệu bao, tương đương 480 nghìn tấn, nhưng lượng tồn kho thế giới đang giảm xuống đáng kể.
Tồn kho cà phê Arabica giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 1.848 triệu bao, tương đương 110 nghìn tấn; tồn kho cà phê Robusta giảm còn 138 nghìn tấn.
Ngoài ra, thông tin một số nước tiêu thụ lớn như Mỹ hay tại châu Âu muốn ngừng lệnh “giãn cách xã hội” cũng tạo động lực cho các nhà nhập khẩu tăng cường trở lại.
Về dài hơi ông Thắng cho rằng, nếu ngành cà phê nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm 2020, bước sang 2021 sẽ là năm tăng trưởng đột phá. Đó là bởi nhu cầu được dự báo tăng mạnh khi các sự kiện văn hoá, thể thao lớn trên thế giới đồng loạt tổ chức trở lại sau dịch bệnh...
Trong tháng 4/2020, giá cà phê trong nước biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 3/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 600 – 800 đ/kg xuống mức 28.400 – 28.900 đ/kg. Sau thời gian dài giảm giá kỷ lục thì trong những ngày cuối tháng 4/2020, việc Chính phủ nới lỏng “giãn cách xã hội” giúp giá cà phê trong nước có nhiều tín hiệu tích cực. Giá tăng trở lại quanh mức 29.200-29.900 đ/kg. Theo đó, giá cà phê cao nhất tại khu vực tỉnh Đắk Lắk và giá thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. |