Châu Âu có thể tránh được một cuộc suy thoái đáng sợ trong năm 2023 | |
Hòa Phát lần đầu xuất khẩu thép dài sang châu Âu | |
Tận dụng cơ hội nhập khẩu “hàng rẻ - chất lượng tốt” từ châu Âu nhờ EVFTA |
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: T.D |
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2022, tình hình quốc tế và châu Âu có nhiều diễn biến phức tạp, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều nước, rủi ro về suy thoái kinh tế tại các nước khu vực châu Âu và tiêu dùng có xu hướng giảm, nhưng công tác phát triển thị trường châu Âu đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước châu Âu trong năm 2022 đạt khoảng 76,3 tỷ USD, tăng 5,1 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 56 tỷ USD, tăng 10,2%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu đạt 35,5 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá đây là những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và kinh tế của cả nước. Trong đó, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giảm pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường châu Âu.
Năm 2023, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khu vực châu Âu (EVFTA, VN-EAEU FTA, UKVFTA...) tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu các mặt hàng nông sản đảm bảo an ninh lương thực tăng cao là mặt hàng xuất khẩu thể mạnh của Việt Nam… công tác phát triển thị trường châu Âu sẽ đối diện với một số khó khăn thách thức.
Xung đột Nga – Ucraina tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu làm trầm trọng hơn tình trạng tăng giá năng lượng; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa của Việt Nam, khiến một số ngành xuất khẩu đứng trước nguy cơ khó khăn khi tiếp cận thị trường…
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp duy trì và phát triển thị trường châu Âu. Tập trung xây dựng chiến lược phát triển thị trường các nước EU, SNG. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đối với các thị trường chủ chốt, thị trường truyền thống và đẩy mạnh việc phát triển các thị trường ngách, thị trường tiềm năng.
Song song Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực thi các FTA và các khung khổ hợp tác Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp... Cụ thể, đẩy mạnh công tác triển khai thực thi, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác khu vực châu Âu (EVFTA, UKVFTA, VN-EAEUFTA v.v…) để phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường…