Cách TP HCM khoảng 70 km, tỉnh Tiền Giang được sông Tiền thơ mộng (một trong 2 nhánh của sông Mekong) lượn quanh bồi đắp giúpnền kinh tế của địa phương có lịch sử lâu đời này thuộc tầm phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thêm điều tự hào nữa của người dân nơi này khi mảnh đất của họ là quê hương của những người đẹp, mà sau đó thành hoàng hậu như Nam Phương, Từ Dũ hoặc đệ nhất phu nhân như bà Đoàn Thị Giàu, Nguyễn Mai Anh.
Hoàng hậu đầu tiên của mảnh đất Tiền Giang là bà Từ Dũ, tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh năm 1810 tại thị xã Gò Công ngày nay và là con gái đầu của quốc công Phạm Đăng Hưng. Từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham học.
Năm 14 tuổi, bà được cha đưa ra Huế hầu con trai Minh Mạng - sau này là vua Thiệu Trị. Một năm sau, bà sinh con gái đầu lòng. Đến năm 1829, bà sinh được con trai, sau này thành vua Tự Đức. Hai mươi năm sau bà được con trai tôn làm Hoàng Thái hậu.
Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi, trải qua 8 đời vua triều Nguyễn. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn.
Vua Tự Đức còn viết hẳn cuốn sách “Từ Huấn Lục” ghi lại những lời mẹ dạy. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt, đồng thời cũng là người rất trân trọng các bậc trung thần. Hiện, TP HCM có Bệnh viện phụ sản mang tên bà nằm ở quận 1.
Hoàng hậu thứ 2 của đất Tiền Giang và cũng là hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam Nam Phương hoàng hậu. Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (tên thánh Marie Thérèse), sinh năm 1914 tại Gò Công ngày nay. Bà là con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt - tức Huyện Sỹ, người giàu có nhất miền Nam xưa.
Năm 12 tuổi, bà được gia đình gửi sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, trường nữ danh tiếng ở Paris thời bấy giờ. Trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hữu Thị Lan đã là cô gái có sắp đẹp “chim sa, cá lặn” ở Nam Kỳ.
Nhiều tài liệu chép lại rằng, ở bà toát lên vẻ đẹp truyền thống vừa hiện đại nên nhiều lần được vinh danh tại các cuộc thi sắc đẹp. Đặc biệt, bà 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương, cuộc thi sắc đẹp số một ở Việt Nam thời đó.
Sự kiện đánh dấu bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời người phụ nữ đẹp nhất Nam Kỳ là cuộc gặp vua Bảo Đại. Vị hoàng đế của Việt Nam thời ấy đã si mê bà ngay cái nhìn đầu tiên, hôn lễ được tổ chức năm 1934 ở Huế. Khi đó, vua Bảo Đại 21 tuổi, còn bà Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi.
Ngoài 2 hoàng hậu triều Nguyễn, Tiền Giang cũng là nơi sinh thành của 2 đệ nhất phu nhân nhưng ở hai bên chiến tuyến. Một người là vợ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người còn lại là vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam cộng hòa.
Phu nhân Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là bà Đoàn Thị Giàu, sinh tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Bà vốn là một cô giáo, sống giản dị. Do hoạt động cách mạng, ông Tôn Đức Thắng phải di chuyển, đổi chỗ ở thường xuyên nên không thể gặp vợ con. Sau đó ông Thắng bị bắt giam ngoài Côn Đảo, một tay bà Giàu nuôi 3 đứa con, có khi phải lang bạt đến Campuchia kiếm sống.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông Tôn Đức Thắng ra tù, chỉ kịp ghé Tiền Giang thăm vợ con đúng một ngày sau 16 năm chia ly rồi vội vã lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ để lại bà lại miền Nam.
Năm 1954, bà tập kết ra Bắc, mới thực sự ở bên chồng. Là vợ của Chủ tịch nước nhưng bà sống cuộc sống bình dị như bao người dân Hà Nội bởi điều kiện chiến tranh đầy khó khăn. Bà mất năm 1974, không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng.
Bên dòng sông Tiền hiền hòa thời chiến tranh còn có một đệ nhất phu nhân đẹp
“nghiêng nước nghiêng thành” của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu - bà Nguyễn Thị Mai Anh. Bà có được vẻ đẹp hồn hậu cũng bởi ảnh hưởng từ nếp sống của những người sống bên sông Tiền.
Một người từng phục vụ trong Dinh Độc Lập dưới thời ông Thiệu nhận xét rằng, bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người phụ nữ phúc hậu, bao dung của sông nước vùng ĐBSCL.
“Với tôi, bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một Đệ nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh giàu sang. Ở bà luôn luôn tỏa ra sự trong sáng và vui tươi, không câu nệ cách ứng xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, bà luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào bà”, người này viết.
“Người trong cuộc” vua Bảo Đại lý giải rằng các vị vua trước thường cưới vợ người miền Nam nên ông cũng hướng về đó. “Trước kia, vua Gia Long được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.
Một số chuyên gia lý giải, mảnh đất Tiền Giang được khai phá sớm nhất Nam Bộ, trước cả Sài Gòn những 18 năm. Vùng đất này xuất thân nhiều quan lại, địa chủ và những người này thường đưa con gái vào cung hầu vua nên con gái Tiền Giang có nhiều cơ hội làm hoàng hậu hơn.
Yếu tố địa lý cũng một phần làm nên tên tuổi của của con gái Tiền Giang. Vùng đất này được sông Tiền bao bọc, đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt, nên con gái nổi tiếng xinh đẹp. Các vị vua nhà Nguyễn thường mê sắc đẹp, nên bị con gái vùng này thu hút.
Thành phố Mỹ Tho ngày trước phát triển vượt bậc, là trung tâm kinh tế, văn hóa nên nhiều nhà hoạt động cách mạng dừng chân ở đây. Mảnh đất này nuôi nấng, bảo bọc họ nên nhiều nhà cách mạng phải lòng các cô gái Tiền Giang.
评论专区