游客发表
发帖时间:2025-01-25 11:42:51
Năm 2017: Nền tảng cơ bản tốt hỗ trợ đà tăng trưởng của TTCK
Chỉ số VN-Index dù bị ảnh hưởng bởi những sự kiện quốc tế như giá dầu biến động mạnh, Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hay tương lai Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa rõ ràng, nhưng kết thúc năm 2016 với đà tăng vững chắc.
Sẽ có nhiều thách thức cho thị trường trong năm 2017 nếu USD tiếp tục tăng giá, nhưng sự ổn định vĩ mô sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của các công ty niêm yết. VN-Index có thể đạt 750 điểm vào cuối năm 2017, với điểm nhấn của TTCK sẽ là việc gia nhập thị trường của nhiều cái tên mới thông qua IPO, cổ phần hóa, thoái vốn và lên giao dịch trên sàn UPCoM.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở mức cao tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng xuất khẩu và sức mua nội địa trong năm 2016. Dù có những thay đổi chính trị tại Mỹ, chúng tôi cho rằng, đà phục hồi kinh tế của nước này sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam trong năm 2017.
Năm 2016, bất chấp sự bất ổn ở nhiều nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 6,2%. Việc không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% chủ yếu do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang phục hồi, trong khi nhiều ngành khác duy trì đà tăng là điều kiện thuận lợi để dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong năm 2017.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ danh nghĩa đạt 10,2% trong năm 2016, mặc dù mức lạm phát cao khiến tăng trưởng doanh số bán lẻ thực giảm còn 7,8% so với mức 8,5% của năm 2015. Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở mức cao cho thấy, tiêu dùng được kỳ vọng vẫn ở mức cao trong năm 2017, dẫn dắt bởi mức tăng 7,3% của lương tối thiểu, tỷ lệ thất nghiệp thấp 2,3%, doanh số bán xe ô tô và lượng khách du lịch tăng mạnh, qua đó giúp các doanh nghiệp nhỏ hưởng lợi.
Thâm hụt ngân sách đã vượt mục tiêu 4,24% GDP của Chính phủ, không tính hoàn trả nợ vay gốc. Doanh thu từ dầu thô thấp hơn là nguyên nhân chính cho mức thâm hụt cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Chính phủ có thể sẽ vẫn đạt được mục tiêu giữ cho tỷ lệ này ở mức 3,5% trong năm 2017, nhờ sự hồi phục của giá dầu thô và kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn.
Dù tương lai Hiệp định TPP chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự lạc quan về khả năng tăng trưởng xuất khẩu và tiếp tục thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam nhờ vào 12 hiệp định thương mại tự do sẵn có và 5 hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Theo quan điểm của chúng tôi, sự lo ngại về chính sách bảo hộ của Mỹ sau chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng của ông Donald Trump có vẻ như đang được “thổi phồng” khi các chính sách này dường như chủ yếu nhắm vào Trung Quốc và Mexico, các quốc đang ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ.
Đồng Việt Nam đã duy trì sự ổn định đáng kể trong năm 2016, tăng 0,7% trong tháng 10 và kết thúc năm 2016 với mức trượt giá chỉ 1,2%, dù USD đã tăng mạnh sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Mặc dù sẽ có áp lực gia tăng đến từ những đợt gia tăng lãi suất tiếp theo của Fed, chúng tôi cho rằng, mức thăng dự thương mại 1,1 tỷ USD sẽ giúp VND không trượt giá quá 3% trong năm 2017.
Việt Nam ghi nhận mức lạm phát 4,74% trong năm 2016, dẫn dắt bởi mức tăng chi phí y tế và giá thực phẩm cao hơn. Chúng tôi dự báo, lạm phát năm 2017 ở mức 5% khi mà các cơ quan quản lý tiếp tục theo đuổi chính sách tăng chi phí y tế, cũng như khả năng điều chỉnh tăng giá điện.
Tăng trưởng tín dụng đã đạt kế hoạch 18,7% trong năm 2016. Chúng tôi kỳ vọng, tỷ lệ này sẽ được duy trì ở mức 17 - 18% trong năm 2017 khi nhu cầu tín dụng từ nông nghiệp phục hồi và nhu cầu tài chính tiêu dùng gia tăng. Trong bối cảnh Chính phủ dựa vào tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ GDP, yếu tố này sẽ vẫn là một thành phần quan trọng trong nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ đạt mức thấp kỷ lục (4,9% trong kỳ hạn 5 năm) trong quý IV-2016, nhưng sau đó phục hồi nhẹ trước thời điểm cuối năm. Nhu cầu cho trái phiếu được dẫn dắt bởi các ngân hàng được yêu cầu cải thiện tỷ lệ cho vay trên huy động. Chúng tôi kỳ vọng, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm sẽ đạt 6% trong năm nay.
TTCK 2017: điểm nhấn ở các doanh nghiệp khủng lên sàn
Xu hướng địa chính trị toàn cầu nêu trên đã tác động đến diễn biến trên TTCK Việt Nam cũng như thị trường Thái Lan, Indonsesia trong năm 2016. Tuy vậy, VN-Index vẫn thể hiện được đà tăng khá ấn tượng.
Mức tăng 15,7% của VN-Index trong năm 2016 một phần nào đó đã bị tác động bởi diễn biến mạnh mẽ của các mã vốn hóa lớn như ROS và SAB, được niêm yết vào cuối năm 2016. Nếu không có 2 mã này, chỉ số có thể tăng 8,5% (ở khoảng 628 điểm).
Chỉ số sàn HOSE kết thúc năm 2016 với tỷ lệ P/E trượt khá cao là 15,9 lần. Tuy nhiên, loại bỏ ROS và SAB sẽ đưa tỷ lệ này về mức 14,3 lần. Con số này có vẻ như là mức định giá hợp lý trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng EPS 2017 đạt 20,5% trong danh mục theo dõi của VCSC.
Trong năm 2017, chúng tôi cho rằng, các xu hướng địa chính trị toàn cầu sẽ tiếp tục có tác động đến thị trường Việt Nam. Có thể kể đến nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ tại Mỹ, giá dầu thô tăng khiêm tốn và kinh tế Trung Quốc đang dần đi vào ổn định. Dĩ nhiên, bản thân những yếu tố này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là những rủi ro đến từ chính quyền mới của Mỹ.
Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ sự tăng trưởng của VN-Index trong năm 2017. Tỷ trọng tăng trưởng trung bình của các cổ phiếu trong danh mục theo dõi của chúng tôi là 13,6%. Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ này có thể được áp dụng cho cả thị trường, yếu tố có thể giúp chỉ số sàn HOSE đạt 750 điểm vào cuối năm 2017.
Bên cạnh câu chuyện vĩ mô khá hấp dẫn trong vài năm qua, vấn đề mà khá nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài gặp phải là không thực sự có nhiều cổ phiếu tốt (và còn “room”) để giải ngân. Vấn đề này đã thay đổi vào cuối năm 2016 với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như Sabeco, Novaland, PC1, QNS lên sàn. Xu hướng tích cực này này sẽ tiếp tục trong năm 2017 với nhiều cái tên đáng chú ý dự kiến được niêm yết như VietJet, MobiFone, Petrolimex.
Quy định yêu cầu các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên UPCoM đã mang lại những cơ hội đầu tư đáng chú ý trong năm 2017, như trường hợp của VP Bank, Techcombank, Vietnam Airlines, Vinatex, Masan Consumer, FPT Telecom, PV Oil... Thực tế, UPCoM đang ngày càng trở thành một thị trường đáng chú ý tại Việt Nam với tổng giá trị vốn hóa đạt 12,6 tỷ USD vào cuối năm 2016 và thanh khoản của một số cổ phiếu tăng mạnh.
Sự tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện trong năm 2016 với một số công ty đã nới trần sở hữu cho khối ngoại, đáng chú ý là VNM, CII, VHC, GTN, DMC. Chúng tôi kỳ vọng, xu hướng này sẽ được đẩy mạnh trong năm 2017. Bên cạnh đó, Việt Nam dự kiến triển khai TTCK phát sinh trong năm 2017, bắt đầu từ chỉ số hợp đồng tương lai và sau đó là chứng quyền có đảm bảo.
Những ngành hàng đáng quan tâm
Hàng tiêu dùng: người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, là một phần của xu hướng sản xuất các mặt hàng cao cấp hơn.
Bán lẻ: bán lẻ hiện đại tiếp tục phát triển mạnh do lựa chọn của người tiêu dùng tập trung vào chất lượng dịch vụ và trải nghiệm mua sắm.
Kho vận: xu hướng FDI đổ vào ngành sản xuất ở miền Bắc sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ logistics và khu công nghiệp. Các công ty vận hành cảng biển và cảng hàng không cũng sẽ được hưởng lợi từ mức gia tăng nhập khẩu máy móc và thiết bị, và xuất khẩu thành phẩm.
Vận tải: Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ lượng khách du lịch. Các doanh nghiệp được hưởng lợi là các hãng hàng không và các công ty dịch vụ vận tải hành khách, công ty du lịch, điều hành tour du lịch và vận hành cảng hàng không.
Điện lực: nhằm đáp ứng nhu cầu của một kinh tế đang tăng trưởng, Việt Nam phải tăng gấp ba công suất điện trong vòng 15 năm, chủ yếu đến từ các nhà máy nhiệt điện.
Thép xây dựng: doanh số bán căn hộ cao kỷ lục và danh mục các dự án cơ sở hạ tầng đang và sẽ triển khai củng cố cho nhu cầu của thép xây dựng, lĩnh vực cũng đang được hưởng lợi từ việc áp thuế tự vệ.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接