Vốn: Lúc nào cũng thiếu
Mới đây, báo cáo của Hội nghị Thủ tướng với DN 2014 cho biết, tính đến hết quý I-2014, cả nước có khoảng trên 3.000 DNNN, gần 9.000 DN FDI và 789.000 DN dân doanh đăng ký thành lập, song số còn đang tồn tại và hoạt động chỉ khoảng gần 493.000 DN. Quy mô DN ngày càng suy giảm, tỷ trọng DN siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng DN có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2,25%.
Điều đó không lạ, bởi ngoài sức mua yếu, hiện có nghịch lý là ngân hàng (NH) dồi dào thanh khoản, nhưng các DN lại khó tiếp cận các khoản vay từ NH, trong khi các DN đang rất thiếu vốn. Nhiều DN có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), song cho đến nay đành phải huy động bằng nguồn khác, hoặc phải ngậm ngùi hoạt động cầm chừng trong phạm vi vốn hiện có.
Theo bà Hoàng Hương Giang, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Hải Vân (Hà Nội), hiện nay DN nào cũng thiếu vốn. Nhưng hầu như không DN dám vay vì với lãi suất như hiện nay sản xuất sẽ không có lãi. “Hiện tại nhiều DN đang thoi thóp, co cụm, thu hẹp sản xuất, công việc cũng ít dần và không DN nào dám vay NH. DN chúng tôi đang muốn xây dựng một showroom để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Dù đang thiếu vốn và rất muốn vay nhưng không dám vay một đồng nào mà chỉ huy động thêm vốn của cổ đông, vì vay là chết”, bà Giang chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Vietbee, DN chuyên NK và kinh doanh laptop, phim ảnh, sản xuất phim... cho biết: Hiện nay DN của ông cũng như nhiều DN đang rất thiếu vốn để SXKD. Việc thiếu vốn của DN xuất phát từ vấn đề công nợ, hoặc do sự phình ra của hoạt động SXKD, khiến lợi nhuận không đủ để bù đắp. “Tiền mặt trong lưu thông của DN rất hạn chế, vì tiền của DN nằm nhiều ở công nợ. Hiện DN cạnh tranh nhau về công nợ, nếu không cho nợ thì đối tác sẽ không tiếp tục làm ăn”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, phát sinh trong quá trình SXKD dẫn đến vốn lúc nào cũng thiếu. Số vốn phát sinh thêm phải tìm ở các nguồn như huy động vốn, lợi nhuận đã có, tăng vốn điều lệ hoặc vay vốn. “Hiện nay NH đang thừa vốn nhưng thủ tục vay rườm rà, chặt chẽ. Lãi suất so với trước đã dễ chịu hơn, ở mức 10,5%/năm. Nhưng so với lạm phát thì vẫn không ổn. Lãi suất 10% trong khi lợi nhuận cũng chỉ được 10%, chưa kể âm do lạm phát. Chỉ có DN nào quay vòng được nhiều thì có lợi, DN nào không quay vòng được nhanh thì sẽ không có lãi”, ông Tuấn phân tích.
Loay hoay bài toán đầu ra
Hiện nay, tìm kiếm cơ hội SXKD không dễ, song ngay cả khi có cơ hội thì thiếu vốn cũng khiến các DN phải “cân não” lựa chọn và có khi phải chấp nhận hy sinh. “Có cơ hội nhưng thiếu vốn buộc DN phải chọn cơ hội nào vừa sức mình nhất và hy sinh những cơ hội còn lại, đồng nghĩa với hy sinh doanh thu, lợi nhuận, trong đó có mối quan hệ”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Các DN có cơ hội để hy sinh như DN kể trên là không nhiều. Bởi hiện nhiều DN vẫn đang “loay hoay” với bài toán tìm kiếm đầu ra, đặc biệt là với những DN hướng tới thị trường XK.
Là một DN tham gia lắp ráp, kinh doanh ô tô, xe máy và sản xuất nhôm, kính..., thời gian qua Công ty TNHH Thành Xuân gặp khó khăn khi tìm thị trường XK các sản phẩm ra nước ngoài. Ông Nguyễn Đình Xuân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành Xuân (Nghệ An) cho biết, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm ở nội địa rất chậm, do người dân có nhu cầu nhưng lại không có tiền để mua. Trong khi đó, DN lại rất thiếu thông tin về thị trường XK ở các nước cũng như thông tin về các đối tác cần NK. “Hiện nay khó khăn nhất là vấn đề tìm kiếm thị trường. Sản phẩm của chúng tôi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng chưa XK được. Lâu nay chúng tôi tự mình tìm kiếm thị trường là chính nhưng rất khó khăn, Sở Công Thương cũng không giúp được gì nhiều. Trước đây chúng tôi đã từng là DN đầu tiên XK xe máy sang Lào, do có thuận lợi là gần địa bàn Nghệ An. Chúng tôi cũng từng XK sang Campuchia nhưng thị trường Campuchia thiếu ổn định và độ tin cậy. Chúng tôi cũng mong muốn được kết nối, tìm kiếm thị trường, vừa có thể NK nguyên phụ liệu nước ngoài vừa XK sản phẩm ra nước ngoài”.
Như vậy có thể thấy, DN đang mắc bài toán luẩn quẩn: Không có vốn, thiếu thị trường dẫn đến không mở rộng được sản xuất kinh doanh, không tăng được sản lượng, doanh thu thấp, kéo theo lương nhân viên thấp, từ đó không thu hút được nhân sự chất lượng cao.
“Để tháo gỡ khó khăn cho DN, vấn đề đầu tiên là phải có giải pháp nhằm cải thiện sức mua của cộng đồng, bởi như thế DN mới có đầu ra. Đây mới là cái gốc của vấn đề. Bởi nếu không có đầu ra, DN cũng chẳng cần vay vốn, chẳng cần mặt bằng làm gì”, bà Hoàng Hương Giang kiến nghị.
Ngoài việc thúc đẩy các NH đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn với điều kiện vay phù hợp, lãi suất ổn định trong trung và dài hạn, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường XNK, các vấn đề hội nhập, tăng cường hỗ trợ tài chính phục vụ công tác xúc tiến thương mại để giúp DN tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới Chính phủ và các ngành liên quan cần có giải pháp quyết liệt nhằm tăng sức mua của xã hội.