Trong đó, huy động tiền đồng đạt 1,57 triệu tỷ, tăng 0,88% so với cuối năm 2016, chiếm 87,47% tổng nguồn vốn; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 225.000 tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2016 và giảm 6,29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình cho vay, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/3/2017 dự ước đạt 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2016 và tăng 19,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dư nợ tiền đồng đạt 1,37 triệu tỷ, tăng 2,68% so với cuối năm 2016, chiếm hơn 90% tổng dư nợ. Dư nợ ngoại tệ đạt 147.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cuối 2016.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán) tăng dần. Mặc dù tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, song tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM lưu ý các tổ chức tín dụng cần tiếp tục quan tâm đến tăng trưởng tín dụng đảm bảo phù hợp, hợp lý đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với huy động vốn và đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Dịch vụ ngân hàng trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm 2017 tiếp tục xu hướng phát triển tốt, phản ánh hiệu quả và lợi ích mang lại từ các hoạt động dịch vụ ngân hàng cho ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế. Số lượng khách hàng tham gia sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, đến cuối quý 1/2017, số lượng thẻ ngân hàng (bao gồm cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế) trên địa bàn ước đạt 10,9 triệu thẻ đang hoạt động, so với thời điểm cuối năm 2016 tổng số lượng thẻ đang hoạt động tăng gần 2%. Hệ thống máy ATM trên địa bàn đạt 3.880 máy, tăng 2 máy so với cuối năm 2016. Trong khi đó, hệ thống POS đang hoạt động đạt 37.200 máy, tăng 3,3 % so với cuối năm 2016. |