Xuất khẩu hàng hóa cả nước quý I/2024 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh tư liệu. |
Đầu tư, xuất nhập khẩu là điểm sáng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Khu vực công nghiệp tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng Theo kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6% - 6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Tuy nhiên giữa các khu vực có sự dịch chuyển so với kịch bản ban đầu. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực 6,28%, cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết 01. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng. Như vậy, với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành. |
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất ba tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay
Mức tăng này dự báo sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Một điểm sáng nữa trong diễn biến kinh tế quý I là hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Về tình hình giá cả, theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý I năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn tiếp diễn
Bên cạnh những nét tích cực, vẫn còn những con số cho thấy khó khăn về kinh tế vẫn còn tiếp diễn. Trong tháng 3, cả nước có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn lao động, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2024 lên gần 59,9 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Như vậy, bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là mức cao nhất kể từ năm 2019 đến nay.
So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024, có 22,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023; 42,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Trong khi đó, khảo sát quý IV/2023 cho thấy, có 31,7% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2023; 37,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 30,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Như vậy, so với quý IV/2023, các doanh nghiệp đánh giá tình hình khó khăn hơn.
Từ phía cầu, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 chỉ tăng 8,2%, vẫn chưa đạt được thời điểm trước dịch. Cụ thể, mức độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 giảm 3,3 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân giai đoạn (2015-2019), đây mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch.
Có thể thấy, những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn tiếp diễn, đòi hỏi phải triển khai tích cực đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
BÀ NGUYỄN THỊ MAI HẠNH - VỤ TRƯỞNG VỤ HỆ THỐNG TÀI KHOẢN QUỐC GIA (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2024Mặc dù kết quả tăng trưởng của một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng trong nước vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo. Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm. Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng Cục Thống kê đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01. Ở kịch bản 1, năm 2024 tăng 6%. Theo đó, quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%. Trong kịch bản 2, năm 2024 tăng 6,5%. Theo đó, quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%. BÀ NGUYỄN THU OANH - VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ GIÁ (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Lạm phát năm 2024 có thể lên mức 4,5%Diễn biến lạm phát trong những quý tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố biến động ở cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, các yếu tố tác động là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, do Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI. EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Phân tích các yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê đã xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024. Các kịch bản lạm phát được xây dựng thông qua dự báo biến động giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… Ba kịch bản này tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%. Yến Hoàng(ghi) |