Tháng 7 năm ngoái, khi ông Kerry tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được khởi động với mục tiêu đạt được một thỏa thuận khung để đi tới một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 4 năm nay, Israel đã đồng ý thả 104 tù nhân Palestine chia thành 4 đợt. Đợt thả tù nhân cuối cùng theo dự kiến được tiến hành ngày 29-3 vừa qua, tuy nhiên phía Israel đã hoãn lại với lý do lo ngại rằng người Palestine sẽ từ chối đàm phán sau khi các tù nhân đã được tự do.
Tình hình càng thêm phức tạp khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đệ đơn xin gia nhập 15 cơ quan thuộc Liên hợp quốc, một động thái khiến ông Kerry và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tức giận bởi ông Abbas đã từng cam kết không có bất kỳ hành động đơn phương nào khi tiến trình đàm phán đang diễn ra.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chưa hẳn đã bế tắc. Theo "Thời báo New York" (Mỹ), mặc dù ông Kerry nói rằng ông đã làm hết sức có thể để giúp các bên đạt được một thỏa thuận, song cũng có những thông tin trên truyền thông địa phương cho biết đợt thả tù nhân cuối cùng sẽ được thực hiện và thời hạn mới cho các cuộc đàm phán sẽ được gia hạn tới tháng 1-2015.
Giới phân tích cho rằng bất chấp căng thẳng hiện nay, các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn bởi điều đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cả Israel cũng như Palestine đều không muốn bị coi là bên phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ cũng như những tác động tiêu cực của nó đối với mối quan hệ với Nhà Trắng. Một trong những tác động đó là khả năng sẽ nổ ra một cuộc nổi dậy hay khởi nghĩa quy mô lớn mới của người Palestine ở khu Bờ Tây, gây bất lợi cho cả chính quyền tự trị của người Palestine cũng như tình hình an ninh và kinh tế của Israel. Giáo sư Eyal Zisser của trường Đại học Tel Aviv nhận định rằng việc tiếp tục đàm phán sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và các bên sẽ làm hết sức để đạt được mục tiêu.
Theo truyền thông địa phương, thỏa thuận sẽ gồm việc thả 26 tù nhân Palestine (theo dự kiến những người này được thả ngày 29-3 vừa qua) cùng với 400 tù nhân nữa mà Israel sẽ chọn. 400 tù nhân này hầu như sẽ gồm những người phạm tội vặt và không có liên quan tới các tội ác như giết người. Đổi lại, Mỹ sẽ thả điệp viên Jonathan Pollard của Israel, người bị kết án chung thân vì tội do thám Mỹ. Giáo sư Zisser dự đoán cuối cùng, các bên sẽ đạt được một thỏa thuận sơ bộ nào đó vào phút chót, mặc dù thỏa thuận đó "khá mong manh".
Trong khi đó, Tiến sĩ Anat Kurz thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Tel Aviv cũng cho rằng mặc dù một thỏa thuận mới cuối cùng sẽ đạt được, song nó không thể có được trong một vài ngày tới. Ông nói: "Người Palestine sẽ không vội vã từ bỏ kế hoạch xin gia nhập các diễn đàn quốc tế, điều đó có thể sẽ cho Israel thêm một lý do nữa để bác bỏ các yêu cầu của phía Palestine và đưa ra những đòi hỏi mới". Ông Kurz ám chỉ tới yêu cầu của ông Netanyahu muốn ông Abbas công nhận Israel là một nhà nước Do Thái, song ông Abbas từ chối. Ông Kurz nói thêm: "Không có gì là mâu thuẫn khi người Palestine sẽ tiếp tục tìm kiếm sự công nhận hay tán thành của các diễn đàn quốc tế về quyền của họ với tư cách là một nhà nước độc lập. Israel và Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu người Palestine quay trở lại bàn đàm phán".
M.Châu