');this.closest('table').remove();"> |
Với những giá trị về văn hoá, nghệ thuật và tinh thần, cây kiểng luôn có sức hút |
Quy tụ “Kỳ hoa dị thảo”
Tại triển lãm “Cây kiểng, hoa phong lan ba miền năm 2023” diễn ra ở khu vực Hoàng cung - Đại Nội Huế, hơn 1.000 cây kiểng, hoa phong lan, đá cảnh nghệ thuật từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về Huế. Đây là những tác phẩm được xếp vào loại “Kỳ hoa dị thảo” của 300 nghệ nhân các hội hoa lan, câu lạc bộ cây kiểng, câu lạc bộ đá cảnh đến từ 15 tỉnh, thành trên cả nước.
Gọi là “Kỳ hoa dị thảo” vì tất cả đều là cây quý, đẹp, độc, lạ được các nghệ nhân mang đi thi tài. Cây kiểng có mai chiếu thuỷ, sanh, cẩm thị… Phong lan có lan kiếm Phan Trí, lan kiếm xanh Huế, lan thủy tiên…
Đá cảnh nghệ thuật gồm những viên đá đẹp được tạo tác từ tự nhiên với cảnh trí núi non, sông nước, vân mây… như bức tranh thủy mặc.
Tiểu cảnh, non bộ lại thể hiện bàn tay tạo tác tài hoa, điêu luyện của nghệ nhân với những kiểu thức sắp xếp tự nhiên, thể hiện sự công phu, tỉ mỉ trong từng chi tiết và mang tính nghệ thuật cao.
Những tác phẩm giá trị này càng “toả sáng” khi khoe sắc, khoe dáng trong không gian cảnh quan nên thơ, hữu tình của vườn Thượng uyển Cơ Hạ, Thiệu Phương và khu vực Trường lang Đại Nội.
Cũng nhờ những tác phẩm này, khu vườn Thượng uyển chốn hoàng cung, vốn là nơi tập hợp hoa thơm cỏ lạ, cây kiểng quý hiếm trong cả nước, rực rỡ hơn. Cảnh và hoa tương hỗ lẫn nhau, tạo nên một không gian đẹp.
');this.closest('table').remove();"> |
Hoa phong lan khoe dáng trong Hoàng cung |
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, triển lãm là nơi hội tụ của nghệ nhân ba miền để trao đổi kinh nghiệm và để người dân, du khách cảm nhận được sức sống mãnh liệt trong giới làm nghệ thuật cây cảnh.
“Không có trường đại học nào cấp bằng nhưng nhiều nghệ nhân rất giỏi. Họ gửi gắm vào tác phẩm bao tâm huyết và xem nó như một đứa con tinh thần chứ không đơn thuần là một cái cây, hòn non bộ làm ra để bán. Cây kiểng còn gắn với đặc trưng văn hoá dân tộc, chứa đựng những giá trị triết lý tinh thần của người dân Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.
Những chậu hoa phong lan rực rỡ sắc màu, hàng trăm cây kiểng khoe dáng cùng tạo tác độc đáo của các tác phẩm đá cảnh nghệ thuật mang vẻ đẹp cổ, kỳ, nhã, ý thu hút ánh nhìn của bao du khách gần xa.
Ông Hoàng Đại, du khách đến từ Hưng Yên chia sẻ: “Thật may khi tôi đến Huế du lịch trong dịp này. Ngoài tham quan đền đài, cung điện, tôi được ngắm những tác phẩm bonsai, hoa phong lan đẹp từ khắp cả nước hội tụ về tại vườn Thượng uyển, nơi vốn dành cho vua dạo chơi, thưởng ngoạn. Đây là một trải nghiệm thú vị, độc đáo”.
Trong mấy ngày nghỉ lễ, lượng khách đến tham quan Đại Nội đông hơn và khu vực triển lãm cây kiểng, hoa phong lan tấp nập du khách check-in chụp ảnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân có thể xem triển lãm này, ban tổ chức mở cửa Đại Nội miễn phí ban đêm từ 27 đến 29/4. Mỗi đêm, có hàng ngàn lượt người vào Đại Nội xem triển lãm và thưởng thức không gian đêm Hoàng cung.
Bao mồ hôi, công sức sau những tác phẩm đẹp
Bắt đầu từ năm ngoái, triển lãm cây kiểng và hoa phong lan ba miền được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hàng năm, thay vì 4 năm một lần như trước đây. Đây là dịp để cây kiểng, hoa phong lan được khoe sắc, khoe dáng, các nghệ nhân được khoe tài và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nên ai cũng háo hức.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc, Chủ nhiệm CLB Bonsai Huế xanh cho biết, không chỉ nghệ nhân chơi cây kiểng ở Huế mà anh em ở các tỉnh, thành trong cả nước ai cũng hào hứng về Huế triển lãm. Một nơi để nghệ nhân giao lưu, phô diễn nghề, một khu vườn đẹp để trưng bày cây kiểng cùng cách tổ chức chuyên nghiệp là điều triển lãm đã làm được.
“Với chúng tôi, tác phẩm được trưng bày tại vườn Thượng uyển của Hoàng cung là một niềm vinh dự nên ai cũng mong muốn được tham gia. Không gian đặc biệt này không nơi nào có ngoài Huế, dù những nơi khác triển lãm có thể quy mô hơn”, ông Lộc nói.
');this.closest('table').remove();"> |
Nghệ nhân trổ tài tạo tác cây kiểng |
Sau 4 lần đến Huế làm giám khảo triển lãm “Cây kiểng, hoa phong lan ba miền”, nghệ nhân quốc tế Lâm Ngọc Vinh kể: “Lần đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên khi tại Huế hội tụ cây kiểng khắp ba miền đất nước mà toàn những cây đẹp. Quả thật, ngắm cây kiểng trong không gian Hoàng cung, cảm giác như được sống trong không khí ngày xưa: dạo chơi ngắm cảnh ở vườn Ngự uyển. Vì vậy, triển lãm này luôn hấp dẫn nghệ nhân. Ai cũng hào hứng, nhiệt tình dù đã tham gia nhiều lần”.
Theo ông Vinh, chất lượng tác phẩm của triển lãm cây kiểng và hoa phong lan ba miền ngày càng đẹp và chuẩn. Triển lãm lần này được xem là bước ngoặt về chất lượng với nhiều cây bonsai, tiểu cảnh có giá trị về nghệ thuật.
Ông cho biết: “Cái đẹp của cây kiểng căn cứ vào các tiêu chí: thân, thế, đế, rễ, cành. Thân phải to dưới gốc và nhỏ dần lên ngọn. Bộ rễ trải đều, các đầu rễ phải cắm xuống. Cành lan toả ra các hướng… Về tiểu cảnh non bộ chuộng tính tự nhiên, kỹ thuật chế tác, dấu thời gian trên tác phẩm…”.
Chơi cây kiểng từ năm 10 tuổi, đến nay nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh đã trải qua mấy mươi năm làm nghề. Ông chia sẻ: “Để theo đuổi niềm đam mê với cây kiểng, nghệ nhân phải trả giá khá nhiều về công sức, tiền bạc, mồ hôi và nước mắt. Chỉ khi có đam mê thật sự, chịu khó học hỏi nâng cao tay nghề và dành nhiều thời gian, công sức mới có thể đeo đuổi. Nghề này cũng đòi hỏi cái tâm của người làm nghề”.