Mô hình Tổ hợp tác nuôi lươn thương phẩm trong đoàn viên,ởinghiệnhận định juve thanh niên của Đoàn Thanh niên xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A đã giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững và giúp đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp trên chính quê hương mình.
Thường xuyên tham quan, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi lươn giúp đàn lươn của các thành viên tổ hợp tác đạt chất lượng cao hơn.
Trợ lực cho người trẻ
Là người khởi xướng mô hình, anh Huỳnh Quấn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Hồi tháng 2-2020, tôi có cơ hội được tham quan các mô hình khởi nghiệp ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tôi thấy mô hình nuôi lươn rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, liền tìm hiểu và phát động mô hình này trong đoàn viên, thanh niên của xã”.
Đến tháng 6-2020, mô hình Tổ hợp tác nuôi lươn thương phẩm trong đoàn viên, thanh niên của xã Nhơn Nghĩa A ra đời. Tham gia mô hình có Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, bí thư chi đoàn ấp và đoàn viên, thanh niên của xã. Đây là mô hình nuôi lươn thương phẩm đầu tiên trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa A.
Để triển khai mô hình, các thành viên được tiếp cận nguồn vốn vay dành cho thanh niên khởi nghiệp và Quỹ Quốc gia về việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, họ mạnh dạn đầu tư con giống, bể nuôi, bồn chứa nước,... để khởi nghiệp. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, việc triển khai mô hình cũng gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định. Anh Lê Tuấn Khanh, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ: “Lúc mới nuôi, chưa nắm chắc kỹ thuật, chưa hiểu rõ đặc tính nên lươn bị chết hoài. Thấy vậy mình cũng nản và lo lắng lắm. Nguồn vốn bỏ ra nhiều mà lỡ nuôi không được thì coi như mất trắng!”. Đó cũng là nỗi lo chung của tổ hợp tác trong những ngày đầu thực hiện mô hình.
Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, các thành viên đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu trên báo, đài, mạng xã hội để nắm vững kỹ thuật nuôi lươn. Mỗi tháng, tổ hợp tác còn tổ chức 2-3 buổi sinh hoạt chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp nâng cao kỹ thuật nuôi lươn cho từng thành viên. Đồng thời, luân phiên đến tham quan các mô hình để học hỏi những cách làm hay, hiệu quả.
Nhiều kinh nghiệm hữu ích đã được rút ra trong quá trình này, như muốn lươn khỏe mạnh thì phải quan tâm giữ sạch nguồn nước và giữ ấm cho chuồng. Định kỳ tắm nước muối cho lươn để khử khuẩn và tăng sức đề kháng,... Từ đó, giúp đàn lươn của tất cả thành viên trong mô hình được phát triển đồng đều, đạt chất lượng cao.
Thu về lợi nhuận khá, lan tỏa ra dân
Đến nay Tổ hợp tác nuôi lươn thương phẩm trong đoàn viên, thanh niên của Xã đoàn Nhơn Nghĩa A đã có 5 thành viên tham gia xây dựng mô hình, với tổng đàn lươn trên 25.000 con. Nhìn chung, lứa lươn thả nuôi đầu tiên đạt chất lượng cao, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đã có thể thu hoạch và cho thu nhập khá.
Theo các thành viên tham gia mô hình, nguồn vốn nuôi lươn chủ yếu là đầu tư bể nuôi, bồn nước và con giống ban đầu, còn thức ăn thì không tốn kém nhiều. Nuôi lươn tốn ít diện tích và khá nhẹ công, chỉ cần thay nước thường xuyên cho bể nuôi luôn sạch. Do đó, người nuôi có thể đi làm thêm những công việc khác để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Sau 10-12 tháng thả nuôi, dù giá rẻ vẫn có thể thu về lợi nhuận khá.
Từ Tổ hợp tác nuôi lươn thương phẩm trong đoàn viên, thanh niên của Đoàn Thanh niên xã, phong trào nuôi lươn đã lan tỏa đến nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa A. Trong thời gian tới, xã dự kiến sẽ thành lập Hợp tác xã nuôi lương thương phẩm của xã. Các thành viên của tổ hợp tác cũng sẽ tham gia vào hợp tác xã này. Đồng thời, tiếp tục duy trì tổ hợp tác, kết nạp thêm các thành viên là đoàn viên, thanh niên của xã để cùng nhau khởi nghiệp, cùng nhau làm giàu. Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Xã đoàn Nhơn Nghĩa A: “Mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã giải quyết được việc làm và có thu nhập ổn định. Nhờ đó, họ không phải đi làm ăn xa, mà có thể khởi nghiệp và làm giàu trên chính quê hương của mình”.
Những mô hình giúp nhau khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên không chỉ giải quyết việc làm, mang lại thu nhập khá mà còn giúp họ chí thú làm ăn, hạn chế được tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội ở nông thôn. Do đó cần được phát huy và nhân rộng trong thời gian tới.
Bài, ảnh: THIÊN DI