Sức sản xuất đang trỗi dậy Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5, đề cập tới vấn đề phục hồi kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: thời gian qua đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ. Năm 2021 cũng như 4 tháng đầu năm nay có nỗ lực rất lớn mới có thể giữ, tạo dựng được đà tăng trưởng như hiện nay. Về vấn đề thu ngân sách vượt dự toán năm 2021, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, một số ý kiến cho rằng vượt thu chủ yếu tập trung vào thu tiền sử dụng đất và nguồn thu từ dầu thô. Năm 2021, thu ngân sách đạt 1.568.000 tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán, vượt 3,8% so với số thực hiện của năm 2020. Trong đó, thu tiền sử dụng đất vượt 74,1 nghìn tỷ đồng; dầu thô chỉ vượt 21,4 nghìn tỷ đồng do giá dầu thô tăng lên. Tiền sử dụng đất dự toán là chiếm 8,3% trong tổng số thu thì thực hiện được là 11,8% trong tổng thu. Theo dự toán, thu từ đầu thô chỉ chiếm 1,7% tổng số thu thì thực hiện là chiếm 2,9% trong số tổng thu. Điều đó có nghĩa là sức sống của nền kinh tế Việt Nam ngoài đất và ngoài dầu thô vẫn phát triển được. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế chỉ 2,58%, tuy nhiên thu ngân sách vẫn vượt 16,4% dự toán và vượt thu so với năm trước 3,8%. Lý giải làm rõ hơn khía cạnh này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ: thu ngân sách được tăng cường ở những khu vực tiềm năng mà lâu nay chưa thu được. Ví dụ như thu trên nền tảng số, thu chuyển nhượng bất động sản. Riêng thu chuyển nhượng bất động sản trong quý 1/2022 đã thu tăng lên 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. “Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện hóa đơn điện tử, vừa rồi đã thực hiện khoảng 4 tỷ hóa đơn điện tử. Đến ngày 1/7/2022 thực hiện được khoảng 7 tỷ hóa đơn điện tử, nghĩa là 100% doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đã sử dụng hóa đơn điện tử, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, mua bán vật tư, hàng hóa… xuất hóa đơn phải thể hiện trên hóa đơn, khi đó thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên”, “tư lệnh” ngành tài chính nhấn mạnh. Đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam còn nhiều; sức sản xuất đang trỗi dậy, song Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhận định hiện nay Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Với tình hình thế giới, lạm phát ở Mỹ hiện là 8,3%. Cả khu vực châu Âu, châu Á đều lo ngại lạm phát, giá cả tăng cao. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao xuất phát từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc. Các vấn đề như lãi suất tăng cao, giá cả tăng cao, điển hình như giá dầu, giá thép tăng đều tác động đến nền kinht ế Việt Nam. Trong nước hiện cũng đang đối diện với vấn đề lạm phát, giá cả tăng cao, vấn đề lãi suất ngân hàng. “Lãi suất của ngân hàng thương mại huy động đã 7,3% thì muốn vay phải trên 10%, điều này gây áp lực lên các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay lãi suất cao, khả năng tiếp cận lãi suất khó”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói. Giá thành sản xuất, kinh doanh cao sẽ tạo khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Một số ngân hàng thương mại cũng khó khăn, nợ xấu. Các yếu tố này ảnh hưởng đến người lao động, việc làm cũng như thu ngân sách. Tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đất nước mới trải qua đại dịch nhiều khó khăn. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng được năng lực cho nền kinh tế. Muốn tăng được năng lực cho nền kinh tế phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng nhất nhằm phục hồi, phát triển kinh tế. Vì vậy, mọi cấp, mọi ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, về tiếp cận đất đai, quản lý làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tạo ra những tiện ích, cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp.
Đó là lý do Việt Nam tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc. Nếu có đường sẽ phát triển được nhiều ngành nghề khác, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư tốt hơn. Vừa qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc. Toàn bộ số vượt thu ngân sách ngoài thực hiện chính sách tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, còn lại được dồn để làm các đường cao tốc đi về các tỉnh như lên Tây Nguyên, xuống Vũng Tàu, đường cao tốc phía Đông… Mục tiêu cuối năm nay cố gắng bàn giao được 141 km đường cao tốc. Đây cũng là quyết tâm rất lớn. Ở góc độ làm thế nào để chống lạm phát trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các cấp, các ngành phải tập trung vào tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công phát triển. Vấn đề này có nhiều vướng mắc, ví dụ như tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Đây là yêu cầu bức thiết vì giải phóng mặt bằng nằm trong phần chuẩn bị đầu tư, phải chuẩn bị trước. Tách phần này không chỉ dự án nhóm A, dự án đặc biệt hay những tỉnh có cơ chế đặc thù mà nên làm phổ biến. “Giải phóng mặt bằng rất lâu, không thể 1-2 tháng làm được mà cả năm, thậm chí có những dự án hàng chục năm, thậm chí còn phải cưỡng chế… Tách ra để bố trí trước vốn; đây là vướng mắc cần tách ra. Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư công lại gói lại hết. Có những nội dung phải căn chỉnh, hoàn thiện lại nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói. |