Trong phần xét hỏi, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình hiểu biết pháp luật hạn chế nên mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt. Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, căn cứ hồ sơ vụ án và xét hỏi tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 24 bị cáo về tội “Buôn lậu” là có căn cứ, đúng người, đúng tội. “Các bị cáo đều là người hiểu biết, nhận thức được quy định pháp luật nhưng vì kiếm lời đã tham gia đường dây buôn lậu vàng với những nhiệm vụ, vai trò khác nhau và phân công cụ thể.”- đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM nhấn mạnh. Theo đó, năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định) và Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, quê ở Tây Ninh) cầm đầu móc nối với các đối tượng tổ chức hai đường dây nhập lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam.
Đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu và lôi kéo 20 người tham gia. Trong thời gian từ tháng 8/2022 đến 9/2022, các đối tượng buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.644 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam, hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng. Đường dây thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu và lôi kéo 5 người khác tham gia buôn lậu. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến 9/2022, các đối tượng tổ chức 1.320kg vàng thỏi, trị giá 1.817 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam, hưởng lợi hơn 6,8 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 7/2022 đến 9/2022, hai đường dây do Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu, móc nối với các đối tượng đã buôn lậu 6.150 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam, với trị giá 8.461 tỷ đồng, thu lợi bất chính 24,4 tỷ đồng. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM nhận định hành vi buôn lậu hơn 6 tấn vàng của các bị cáo gây tác hại xấu đến sự ổn định phát triển ngành vàng; ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong việc kinh doanh vàng. Các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, nhưng không đáng kể so với hậu quả gây ra, nên Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cho rằng cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục. Trong vụ án có vai trò đồng phạm nên cơ quan công tố xét thấy cần phân hóa vai trò của các bị cáo để có mức án phù hợp với từng người. Từ những phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng, Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng mức án từ 17-18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng từ 15-16 năm tù, Nguyễn Thị Thúy Hằng 10-11 năm tù, Trần Thanh Thắng 12-13 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”. Cùng tội danh này, các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 5-14 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan đến hành vi phạm tội và số tiền nộp khắc phục hậu quả; kê biên phong tỏa tài sản trong vụ án để đảm bảo việc thi hành án. Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng và HĐXX sẽ tuyên án. |