Theo báo cáo của ICAEW, trong bối cảnh Trung Quốc đi theo mô hình kinh tế của Nhật Bản và hiện đã có chi phí sản xuất quá cao, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển hướng sang các nước lân cận để tìm địa điểm đặt cơ sở sản xuất. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư sản xuất...
ICAEW phân tích, với tiềm năng tăng trưởng lớn, dân số trẻ và mức lương thấp hơn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quá trình phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm với sự cạnh tranh giành vị thế ảnh hưởng tại khu vực giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.
Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội thu hút đầu tư và tái cơ cấu năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Việt Nam hiện đã là một trung tâm gia công, sản xuất và chỉ đứng sau Singapore tính trên tổng mức vốn đầu tư của Trung Quốc. Hoạt động đầu tư này sẽ diễn ra dưới hình thức mở cửa các nguồn vốn do Trung Quốc đứng đầu trong khuôn khổ Quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á cho biết, để thu hút nguồn vốn hiệu quả, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo để xây dựng đội ngũ lao động có kỹ năng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tập trung nhiều hơn vào đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường, đặc biệt là vào giao thông, dịch vụ.
Để tăng cường tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trở thành một trung tâm sản xuất, gia công toàn cầu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, về lâu về dài, Việt Nam nên tích cực sàng lọc danh mục các dự án FDI theo chiến lược, định hướng phát triển của chính phủ. Đặc biệt là đầu tư đáng kể để nâng cao năng lực của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ quan trọng bằng cách hợp tác hiệu quả với Mỹ và Nhật Bản.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hứa hẹn sẽ nâng cao khả năng tiếp cận của Việt Nam đối với thị trường Mỹ với lợi thế là xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, thủy hải sản…
Hải Anh