Nga thông tin thêm về việc triển khai lực lượng tới miền Đông Ukraine | |
Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp để xem xét tăng lương tối thiểu vùng 2023 | |
Tối thiểu 75.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 |
Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Chính phủ quyết định không điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Ảnh: X.Thảo |
Mong đảm bảo mức sống tối thiểu
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để có cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp, từ ngày 1/4, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương.
Cụ thể, Bộ đã có công văn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan.
Theo kế hoạch dự kiến, 2.000 DN được chọn điều tra sẽ thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất - kinh doanh như: nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. Về quy mô lao động, DN được điều tra thuộc nhiều loại, từ dưới 100 lao động, từ 100-300 lao động và trên 300 lao động. Các nội dung chính được tìm hiểu ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo...
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng khảo sát về tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp bao gồm: số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng , hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Ngoài ra, khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của doanh nghiệp khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.
Dự kiến, 18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra từ 1/4 gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Bước sang năm 2022, mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa tăng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian phục hồi, người lao động duy trì việc làm hoặc tham gia lại thị trường lao động.
Trước đó, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ quyết định không điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, cụ thể: vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7?
Theo đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2022 là thời điểm "chín muồi" để bắt đầu tiếp tục điều chỉnh tiền lương, không nên tiếp tục trì hoãn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7/2022.
Phát biểu tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia mới được tổ chức, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phân tích, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới về phát triển kinh tế, ngay quý 1/2022, GDP đã tăng trên 5%. Trong khi đó, qua nắm bắt của tổ chức công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam do áp dụng mức lương thấp đã không thu hút được lao động dẫn đến thiếu hụt lao động rất lớn, những yếu tố này đòi hỏi việc tăng lương là rất cần thiết. Trong thực tế, mức lương tối thiểu chưa tăng cũng tạo ra sự bất ổn trong quan hệ lao động, điển hình là trong những tháng đầu năm xảy ra một số cuộc ngừng việc rất lớn chủ yếu liên quan đến vấn đề tăng tiền lương.
“Theo tổng hợp của chúng tôi, 5 năm qua tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%, nếu dồn 2 năm chưa tăng mức tăng sắp tới sẽ cao và chắc chắn doanh nghiệp không chịu được. Chúng tôi sẽ có tính toán cụ thể để đưa ra phương án đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, tránh gây sốc. Việc đề xuất tăng lương sớm từ 1/7 cũng là để tránh tình trạng dồn nhiều năm lại sẽ tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp”, ông Lê Đình Quảng cho biết thêm.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua nắm bắt của cơ quan này, hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thông lệ hàng năm sẽ hợp lý hơn. Bởi đây là thời điểm phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như năm tài chính của Việt Nam. Bởi doanh nghiệp thường lập các kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chi phí kèm theo từ đầu năm. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải tính toán đến việc điều chỉnh các chế độ tiền lương nên nếu để thời điểm tăng lương vào đầu năm sẽ phù hợp hơn. Việc doanh nghiệp đưa ra các chính sách khuyến khích người lao động ngay từ đầu năm cũng sẽ giúp người lao động gắn bó hơn trong quá trình làm việc trong cả một năm.
Khảo sát của Viện Công nhân - công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) năm 2021 cho thấy, 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi, 11% phải vay mượn tiền của người thân và 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội. |