Giá đường của các nhà máy sản xuất tại Việt Nam tương đối ổn định. Ảnh: TL |
PV: Ông đánh giá thế nào về những biến động của tình hình giá đường trong nước và thế giới tháng 11 năm 2023?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng tháng 11 vừa qua, giá đường của các nhà máy sản xuất tại Việt Nam tương đối ổn định và gần như không đổi so với tháng 10. Mức giá dao động trong khoảng 22.000 - 23.500 đồng/kg, tức là cao hơn 4.000 - 5.500 đồng/kg so với quý I đầu năm nay.
Trên thị trường thế giới, theo ghi nhận của MXV, giá đường giao dịch trên Sở Giao dịch liên lục địa New York (ICE-US) diễn biến giằng co trong phần lớn thời gian của tháng 11, sau đó đi xuống vào những phiên cuối cùng của tháng. Ngày 30/11, giá đường dừng tại mức 574 USD/tấn, giảm nhẹ 5,3% so với đầu tháng.
Tuy nhiên, có một diễn biến đáng chú ý xảy ra trong tháng 11 đó là kết thúc ngày giao dịch 6/11, giá đường bất ngờ leo lên mức 616,2 USD/tấn, tăng 150% so với hồi đầu năm, đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 12 năm.
Giá đường trung bình 11 tháng đầu năm nay ở mức 534,4 USD/tấn, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong tháng qua?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến giá đường neo cao và chỉ bắt đầu suy yếu vào cuối tháng 11 là do tâm lý lo ngại về nguồn cung. Hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều vùng sản xuất mía đường và đường tại các quốc gia châu Á. Tại Ấn Độ và Thái Lan, hai nước cung ứng đường lớn nhất thế giới, sản lượng đường giảm mạnh. Dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng đường niên vụ 2023/2024 của Thái Lan chỉ ở mức 9,4 triệu tấn, giảm 15,2% so với ước tính trong vụ trước.
Vào cuối tháng, thông tin tích cực về nguồn cung đường tại Brazil có khả năng bù lấp khoảng trống từ các nước châu Á đã kéo giá đường đi xuống.
Ngoài ra, Tổ chức Đường thế giới (ISO) hạ dự báo thâm hụt sản lượng đường so với nhu cầu toàn cầu từ 2,1 triệu tấn xuống còn 0,33 triệu tấn. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng ước tính con số thâm hụt cán cân cung - cầu đường niên vụ 2023/2024 sẽ giảm khoảng 2,8 triệu tấn so với dự đoán đưa ra trước đó. Những thông tin này cũng phần nào giải tỏa tâm lý thị trường và kéo giá giảm.
PV:Trong những tháng đầu năm 2024, dự báo giá đường trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:Bước sang năm 2024, tôi nhận định rằng, giá đường thế giới và trong nước sẽ có sự điều chỉnh, nhưng nhiều khả năng sẽ không duy trì được mức cao như tháng 11 vừa qua.
Có một số cơ sở cho nhận định này, thứ nhất, triển vọng nguồn cung sẽ tích cực hơn, đặc biệt là Brazil. Sản lượng đường niên vụ hiện nay của quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đang ở mức cao so với các năm trước, thậm chí là mức cao kỷ lục nhờ thời tiết thuận lợi.
Thứ hai, Ấn Độ - nước sản xuất đường cao nhất và là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai trên thế giới, đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường vô thời hạn thay vì cấm xuất khẩu như những đồn đoán trước đó. Những thông tin này đã làm xoa dịu tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường giai đoạn đầu năm 2024 và sẽ góp phần tác động lên giá đường trong năm tới.
Trong nước, nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu sản xuất và một năm hưởng lợi từ giá đường neo cao cho cả doanh nghiệp mía đường và bà con trồng mía có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất đường sôi động trở lại trong năm 2024. Điều này tạo cơ hội cho nguồn cung dồi dào hơn và giá sẽ có sự điều chỉnh.
Bên cạnh những thông tin về cung - cầu, theo tôi, thị trường cũng cần theo dõi sát diễn biến giá dầu thô trong thời gian tới. Bởi vì đây là mặt hàng có mối liên hệ trực tiếp và diễn biến đồng pha với giá đường thông qua hoạt động chiết suất nhiên liệu sinh học ethanol. Minh chứng cho thấy trong những ngày đầu tháng 12/2023, giá dầu giảm cũng kéo theo giá đường rớt khỏi vùng giá cao.
PV: Xin cảm ơn ông!