Gần 1.800 thí sinh tham gia thi đấu tại Vòng loại quốc gia theo hình thức trực tuyến |
Đặt nền móng kiến tạo thế hệ công dân số
Cuộc thi Microsoft Office Specialist World Championship (MOSWC) là sân chơi quốc tế do Tập đoàn Certiport (Hoa Kỳ) tổ chức thường niên dành cho học sinh,bảng xếp hạng u19 nữ châu âu sinh viên độ tuổi từ 13 - 22 với quy mô toàn cầu nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tài năng tin học xuất sắc nhất trên thế giới về kỹ năng sử dụng các ứng dụng Tin học văn phòng.
Tại Việt Nam, cuộc thi đã bước sang mùa giải thứ 12, được đồng tổ chức bởi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam cùng sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và sự tham gia của nhiều bộ, ngành.
Học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ tham dự Vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới - Viettel 2021 từ xa |
Trong lễ khai mạc diễn ra vào sáng 18/9, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam - đồng Trưởng Ban tổ chức Cấp quốc gia, chia sẻ: “Trong chặng đường 11 năm vừa qua, các thành viên của Ban chỉ đạo và Ban tổ chức cuộc thi MOSWC - Viettel mong muốn và khát khao đưa chuẩn Tin học quốc tế MOS tới ngày càng nhiều các em học sinh, sinh viên - lực lượng lao động tương lai của đất nước, qua đó góp phần nâng tầm nhân lực Việt, tăng sức cạnh tranh của nguồn nhân lực nước nhà trong khu vực và trên thế giới”.
Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Cấp quốc gia cuộc thi Tin học Văn phòng Thế giới -Viettel 2021 |
Còn ông Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc thi mang đến cơ hội để thanh niên Việt Nam được tham gia đánh giá kỹ năng ứng dụng tin học văn phòng theo chuẩn quốc tế, gia tăng cơ hội việc làm với chứng chỉ được công nhận toàn cầu và được thể hiện năng lực, trí tuệ trên đấu trường quốc tế.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết liên quan tới chuyển đổi số, mà gần đây nhất là Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Chính công nghệ thông tin, chính năng lực số của mỗi công dân, đặc biệt là công dân trẻ, kinh tế số, chuyển đổi số sẽ là những yếu tố quan trọng có tính quyết định đối với cách mà Việt Nam vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để trở thành một nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Công cuộc chuyển đổi số trong ngành giáo dục
Một khảo sát mới đây của PwC Việt Nam cho biết, tốc độ thay đổi của CMCN 4.0 đã dẫn đến sự thiếu hụt nhân tài đủ tiêu chuẩn cho các công việc được tạo ra từ nền kinh tế số mới. Đối với nền kinh tế đang hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ như Việt Nam, thách thức này đặt ra yêu cầu người trẻ Việt cần phải trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết, đặc biệt là các kỹ năng số để trở thành những công dân số đáp ứng được các yêu cầu tương lai.
Cũng theo một chuyên gia giáo dục hàng đầu, để có được thế hệ công dân số thì gốc rễ vấn đề, đó chính là giáo dục. Áp lực chuyển đổi số đang đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt trong ngành giáo dục. Vị chuyên gia này cho rằng, muốn hội nhập và bắt kịp xu hướng thì ngành giáo dục cần phải thay đổi trước tiên trong việc ứng dụng và làm chủ công nghệ thông tin. Cuộc CMCN 4.0 đang đem lại nhiều phương tiện, công cụ, các hệ thống để hỗ trợ ngành giáo dục đổi mới cách thức giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) |
Thực tế, lần đầu tiên sau 11 năm triển khai tại Việt Nam, cuộc thi MOSWC - Viettel 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở mùa giải năm nay là sự thay đổi lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Là đơn vị đồng hành tài trợ cho cuộc thi từ những năm đầu khởi xướng tại Việt Nam, tại lễ khai mạc mùa thi thứ 12 vừa qua, bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động khảo thí đã cho phép cuộc thi không bị dừng lại. “Viettel luôn có niềm tin rằng trong khó khăn luôn có cơ hội, giáo dục và thế hệ trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong định hướng về trách nhiệm xã hội của Viettel”, bà Hà Thành chia sẻ thêm.
Được biết, cùng với hàng loạt các dự án lớn hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành giáo dục được Viettel khởi xướng từ cách đây hơn 10 năm, trong đó phải kể đến Chương trình “Internet trường học”, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới kết nối internet đến tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, thì MOSWC-Viettel 2021 cũng nằm trong lộ trình hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Với cái bắt tay bền vững của các bộ ngành, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp, MOSWC - Viettel 2021 được kỳ vọng là bàn đạp để thúc đẩy hành trình kiến tạo thế hệ công dân số ưu việt cho Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Doãn Phong