Các nhà lãnh đạo của bảy nền dân chủ công nghiệp lớn bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ sẽ thảo luận về tương lai của các mối quan hệ toàn cầu và nền kinh tế thế giới, nhất là trong bối cảnh các nước đang phải đối mặt với một số bất ổn như căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngân hàng trung ương đối phó với lạm phát gia tăng và bế tắc về trần nợ của Mỹ. Cũng được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là các quốc gia bao gồm Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam – những quốc gia có vai trò then chốt trong các liên minh khu vực khi căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Gần 8 thập kỷ sau khi hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến thứ hai, thành phố Hiroshima sẽ chào đón các nhà lãnh đạo thế giới trong tuần này để thảo luận về con đường phía trước cho thương mại và an ninh quốc tế. Được biết, Nhóm G7 ra đời để thảo luận về các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế những năm 1970. Nhóm hiện họp vào thời điểm quan trọng khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Theo thông tin mới đăng tải trên trang CNBC, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương G7 đã hoàn tất cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Niigata vào tuần trước. Trong đó, lãnh đạo các nước cam kết sẽ chống lại việc gia tăng chi phí và đảm bảo những kỳ vọng về các biến động giá trong tương lai vẫn sẽ giữ ở mức “ổn định tốt”. Trong một diễn biến khác có liên quan, Uỷ ban Quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC) và Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đang kêu gọi các thành viên G7 ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. “Vì sự sống còn của nhân loại, chúng ta phải giải phóng thế giới khỏi vũ khí đe doạ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc và tác hại không thể đảo ngược. Chúng ta không thể cho phép lặp lại phần đen tối trong quá khứ của mình. Chúng ta nợ những người vẫn còn sống sót, chúng ta phải đảm bảo rằng nỗi kinh hoàng mà họ đã phải trải qua sẽ không bao giờ lặp lại”, hai tổ chức cho biết trong một tuyên bố chung. Được biết trên khắp thế giới, khoảng 68 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. 27 nước khác cũng vừa ký kết hiệp ước. Nhưng đến thời điểm này chưa có thành viên G7 nào tham gia. Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, với an ninh được thắt chặt, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã thực hiện chuyến thăm chưa từng có tới Bảo tàng Tưởng niệm Hoà bình Hiroshima, một động thái mang tính biểu tượng cao do Nhật Bản sắp xếp nhằm khởi động sự kiện quan trọng kéo dài 3 ngày tại thành phố đã từng bị ném bom nguyên tử này và hi vọng đây là nỗ lực thúc đẩy động lực giải trừ hạt nhân. Chuyến thăm lần này cũng chứng kiến lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia trong Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến thứ hai. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng tham gia buổi lễ trồng cây tại công viên và nghe Thị trưởng Hiroshima Kazumi Matsui giới thiệu tóm tắt về lịch sử của Mái vòm bom nguyên tử và các sự kiện bi thảm ngày 6/8/1945. Hiện bảo tàng là nơi lưu giữ khoảng 100.000 di vật, ảnh và các vật phẩm khác, bao gồm quần áo bị cháy và rách nát, hộp cơm bị cháy thành than và tóc người rụng do phơi nhiễm phóng xạ. Khoảng 500 vật phẩm được trưng bày trong toà nhà chính, tập trung vào việc truyền tải sự kinh hoàng của cuộc tấn công trong quá khứ. Để đảm bảo an ninh cho hội nghị thượng đỉnh G7, có đến 24.000 cảnh sát từ khắp Nhật Bản đã được huy động làm nhiệm vụ. Cùng với đó là chính quyền cũng phong toả các con đường và giải tán đám đông khỏi trung tâm lịch sử của thành phố Hiroshima trong thời gian diễn ra hội nghị. An ninh dự kiến sẽ được thắt chặt cho đến ngày 21/5/2023. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã ra cam kết cá nhân mạnh mẽ trong việc thúc đẩy kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân, nhiều lần ông đã nhấn mạnh rằng mối đe doạ của những loại vũ khí này, chưa nói đến việc sử dụng chúng, đều là những hành động “không bao giờ được dung thứ”. |