Ngoài các chính sách chung của Trung ương,ừđộnglựcđếnbứcuracao vs những năm qua tỉnh Bình Phước ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS trên tất cả lĩnh vực, nhất là chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Qua đó tạo ý chí, động lực cho đồng bào DTTS vươn lên. KHƠI DẬY KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN Gia đình bà Thị Heng, ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản thuộc diện hộ nghèo vì thiếu vốn sản xuất cũng như nhà ở. Thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, năm 2022, gia đình bà Heng được hỗ trợ 80 triệu đồng, cùng với vốn tích cóp 30 triệu đồng xây dựng căn nhà cấp 4 khá khang trang, sạch đẹp với đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp và nhà vệ sinh khép kín. Song song đó, gia đình bà được hỗ trợ các nhu cầu thiếu hụt, đặc biệt hỗ trợ 1 con bò giống làm vốn sản xuất, nay nhân đàn lên thành 4 con. Đây là đòn bẩy để gia đình bà Heng vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Cán bộ Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 hướng dẫn hộ dân tộc thiểu số nhận khoán về kỹ thuật cạo mủ cao su Cách nhà bà Thị Heng không xa là gia đình anh Điểu Hen. Năm 2022, gia đình anh cũng được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng và góp thêm 30 triệu đồng xây dựng căn nhà cấp 4 kết hợp công trình vệ sinh khép kín. Gia đình anh còn được hỗ trợ giếng khoan và đào tạo nghề cạo mủ cao su. Huyện Hớn Quản có hơn 21% số dân là đồng bào DTTS, trong đó phần lớn là người S’tiêng với trình độ dân trí còn hạn chế, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, so với mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn cao. Năm 2022, toàn huyện có 609 hộ nghèo, trong đó hơn 50% là hộ DTTS. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, mang tính bền vững cao, huyện Hớn Quản thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gắn với các mô hình mới, cách làm hay nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên cho người dân. Huyện Bù Gia Mập phối hợp các đơn vị trao tặng nhà cho hộ nghèo DTTS năm 2019 Nổi bật là thành lập các tổ giảm nghèo bền vững từ cấp huyện đến xã, huy động sự chung tay vào cuộc của mỗi cấp ủy viên, đảng viên trong toàn đảng bộ. Đối với cấp huyện, phân công các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng các tổ công tác để theo dõi địa bàn phụ trách; các huyện ủy viên và trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể huyện trực tiếp phụ trách từng địa bàn và gắn với địa chỉ từng hộ nghèo; đồng thời trực tiếp đến cơ sở để giúp đỡ, tuyên truyền, trao đổi, bàn bạc tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh từng hộ. Tại xã, thị trấn, các ủy viên ban thường vụ đảng ủy, đảng ủy viên cũng được phân công phụ trách từng hộ nghèo cùng với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền và nhận đỡ đầu các hộ. Từ đó đã thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cũng như nguồn lực vận động xã hội hóa. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2022 huyện Hớn Quản giảm 255 hộ nghèo, vượt 25 hộ so với chỉ tiêu đề ra. BỨT PHÁ TỪ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM 1.000 HỘ NGHÈO Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả hơn, từ năm 2019, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Và bắt đầu từ năm 2019, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS được thực hiện, trở thành chương trình đặc thù riêng của Bình Phước, tạo được sự bứt phá trên nhiều phương diện. Thời gian qua, cùng với các chế độ, chính sách, việc hỗ trợ sinh kế đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Hộ nghèo trên địa bàn huyện Bù Đăng được trao tặng bò để phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: Anh Đức Nếu trước năm 2019, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác giảm nghèo phần lớn từ ngân sách Trung ương và vốn vay tín dụng ưu đãi, thì từ năm 2019 trở lại đây nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ tăng lên rất nhiều. Cụ thể, năm 2019, ngoài nguồn kinh phí Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thì ngân sách tỉnh bố trí hơn 40 tỷ đồng, vận động gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ 1.000 hộ nghèo DTTS. Riêng năm 2023, tổng nhu cầu và dự toán nguồn kinh phí thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo DTTS hơn 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 49 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh 25,8 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 63 nhu cầu, hỗ trợ nhà ở cho 769 nhu cầu, hỗ trợ sửa nhà cho 231 nhu cầu, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh 339 nhu cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề (hỗ trợ sinh kế tạo việc làm tăng thu nhập) cho 1.497 nhu cầu… Trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ tiếp nhận hỗ trợ từ các chính sách (y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vay vốn…) theo hình thức thụ động từ trên xuống (không phân biệt hộ nghèo là người Kinh hay DTTS). Tuy nhiên, đối với Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, các hộ nghèo được hỗ trợ đầy đủ hơn, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ. Ở giai đoạn đầu chương trình, chỉ thực hiện hỗ trợ 14 nhu cầu với 11 chính sách, đến nay đã tích hợp tăng lên rất nhiều như hỗ trợ đất ở, nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện lưới, vay vốn, đào tạo nghề, tivi, xe máy, sinh kế tạo việc làm… theo nhu cầu, nguyện vọng thực tế của các hộ nghèo DTTS. Đặc biệt, hộ nghèo được quyền chủ động lựa chọn cách thức đa dạng hóa sinh kế để tạo việc làm, tăng thu nhập. Hộ bà Thị Heng được hỗ trợ 1 con bò giống nay đã nhân đàn thành 4 con Trước khi thực hiện chương trình, hộ dân tham gia xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo “chăn nuôi bò sinh sản”, “chăn nuôi dê sinh sản”, “chăn nuôi gà thả vườn” theo nguồn vốn Trung ương phân bổ còn hạn chế (từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm) và phải thực hiện đúng theo quy định quản lý, sử dụng nguồn vốn mô hình giảm nghèo. Trong khi đó, chỉ có đa số người Kinh đăng ký tham gia mô hình, còn hộ DTTS ít có nhu cầu nên đã gây khó khăn trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo DTTS. Rút kinh nghiệm, hiện nay các nhu cầu, chính sách không quy định hình thức hỗ trợ cứng nhắc mà các hộ dân chủ động lựa chọn và quyết định phương tiện sản xuất với sự hướng dẫn của địa phương. Từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân cũng như phù hợp với điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình từng khu vực, điều kiện thực tế của mỗi hộ dân; đặc biệt khắc phục các nguyên nhân dẫn đến nghèo. Bình Phước hiện chỉ còn 2.879 hộ nghèo, chiếm 1,03% tổng số hộ dân, trong đó có 1.696 hộ nghèo DTTS. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm thêm 2.000 hộ nghèo, trong đó 50% là hộ DTTS. |
Công tác giảm nghèo của tỉnh những năm qua được gắn kết bởi cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã chung tay thực hiện. Từ khâu tuyên truyền, vận động đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đều được phân công cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, thể hiện bằng quy chế hoạt động của ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và biên giới giai đoạn 2020-2025 tỉnh Bình Phước. Qua đó, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, đồng bộ, tránh tình trạng “vừa đánh trống vừa thổi còi”, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình. Nếu trước năm 2018, số hộ nghèo DTTS giảm với tốc độ chậm và chưa thực sự bền vững thì từ khi thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, kết quả giảm nghèo trong vùng DTTS luôn tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. Cụ thể, năm 2019 giảm 1.194 hộ, năm 2020 giảm 1.548 hộ và năm 2022 giảm 1.166 hộ. Kết quả giảm hộ nghèo DTTS đã trở thành bước đệm cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững hơn. Đặc biệt, cuộc sống của người nghèo được tiếp cận gần hơn với các nhu cầu thiết yếu, các dịch vụ xã hội ngày càng đầy đủ và chất lượng. |