Nhà đầu tư ngoại chiếm ưu thế
TheămquymôMampAcóthểđạttỷtrận juventuso số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015 thị trường Việt Nam ghi nhận tổng cộng 341 thương vụ M&A đã hoàn thành, với tổng giá trị ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 23,1% về tổng số giao dịch (so với 277 giao dịch trong năm 2014) và tăng 9,7% về tổng giá trị thị trường (so với 4,74 tỷ USD năm 2014).
Bình luận về kết quả trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã đạt mốc kỷ lục trong 10 năm qua. Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường M&A có thể kể đến như nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 6,68% trong năm 2015, tăng 15,6% so với năm 2014, trong khi chỉ số CPI được giữ ở mức thấp (0,63%).
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng có nhiều thông thoáng, cởi mở hơn như Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực (từ 1/7/2015), cho phép việc góp vốn, mua cổ phần sẽ không phải thực hiện đăng ký đầu tư như với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hay nới room cho các nhà đầu tư (NĐT) ngoại vào chiếm cổ phần…
Có cùng quan điểm trên, ông Đặng Xuân Minh- Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) cho biết, khối ngoại vẫn tiếp tục nắm giữ “thế thượng phong” trên thị trường M&A. Số liệu từ MAF cho thấy, hiện các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang chiếm đại đa số trong danh sách các thương vụ M&A có giá trị lớn.
“Trong top 10 thương vụ lớn nhất trong năm 2015, có đến 9 thương vụ có mặt NĐT nước ngoài với vai trò là bên mua. Các NĐT nước ngoài thường đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ quy mô từ 30 triệu USD đến trên 100 triệu USD, thậm chí là cả tỷ USD. Càng nhiều thương vụ lớn càng chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường M&A Việt Nam. Trong đó, M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng nổi bật nhất trong năm 2015, tiếp đến là lĩnh vực bất động sản”- ông Minh nói.
Thương vụ mua lại BigC Việt Nam là một trong những thương vụ M&A lớn trong nửa đầu năm 2016. Ảnh T.L minh họa |
Dự báo về thị trường M&A trong năm 2016, ông Đặng Xuân Minh cho rằng, 7 tháng năm 2016, tổng giá trị các giao dịch M&A đã đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều chuyên gia của MAF dự báo những tháng cuối năm 2016, các giao dịch M&A sẽ sôi động hơn nữa, đưa tổng giá trị các giao dịch M&A năm 2016 có thể đạt kỷ lục mới là 6 tỷ USD.
Cũng lạc quan về triển vọng thị trường M&A trong năm 2016, ông Nguyễn Minh Phong cho biết thêm, năm 2015 đánh dấu bước tiến lớn của Việt Nam trên con đường hội nhập thị trường toàn cầu với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.
Những điều kiện này được cho là cú huých thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có thông qua hoạt động M&A, theo đó sẽ mang đến nhiều cơ hội cho hoạt động M&A tăng trưởng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý, những hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà việc hội nhập trong không gian kinh tế mở mang lại, dẫn đến sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa.
Các DN Việt Nam nếu không có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, dần dần sẽ càng khó tồn tại trên chính thị trường của mình.
Hoạt động M&A hiệu quả hơn nhờ đấu thầu
Ông Đặng Xuân Minh cho biết, quy trình M&A cơ bản gồm 4 bước chính: phân loại và lựa chọn đối tác, trước khi hoàn thành thương vụ M&A, đàm phán và sau khi hoàn thành thương vụ M&A. Trong quy trình này, giai đoạn đầu tiên có một hoạt động quan trọng đó là đấu thầu chính thức. Hình thức này chưa phải là phổ biến tại thị trường Việt Nam, nhưng phổ biến tại thị trường các nước phát triển.
Theo phân tích của ông Minh, hình thức đấu thầu chọn người mua trong hoạt động M&A có nhiều lợi thế, trong đó, lợi thế lớn nhất là có thể khảo sát toàn diện thị trường để phát hiện ra những người mua tiềm năng. Bên cạnh đó, một số lượng lớn người mua sẽ giúp cho cuộc đấu giá năng động hơn và giúp cho bên bán đạt được mục tiêu tốt nhất.
Ngoài ra, sự cạnh tranh trong đấu giá sẽ giúp người mua đặt giá thầu tốt nhất đối với người bán. Mặt khác, người bán có thể sử dụng quy trình đấu giá để đảm bảo các điều khoản thỏa thuận tốt hơn…
Cũng theo ông Đặng Xuân Minh cho biết, nửa đầu năm 2016, tại Việt Nam đã xuất hiện 2 thương vụ mua lại đáng chú ý và trở thành điểm sáng của thị trường M&A Việt Nam. Đó là cuộc đua mua lại BigC Việt Nam và cuộc cạnh tranh để trở thành đối tác chiến lược của Vissan, thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh.
“Nhiều thương vụ M&A hiện nay, việc chọn NĐT chiến lược thường dựa vào đàm phán thỏa thuận với 1, 2 đối tác, trong khi nhiều NĐT tiềm năng khác không có cơ hội tiếp cận. Nếu hoạt động M&A các thương vụ, đặc biệt là những thương vụ lớn mà thông qua hình thức đấu thầu thì hoạt động M&A sẽ hiệu quả hơn, thu hút được nhiều NĐT tốt hơn…”- ông Minh chia sẻ.
Còn theo khuyến nghị của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hình thức đấu thầu trong hoạt động M&A có cả những lợi thế và nhược điểm, do đó, bên chào bán cần có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đấu giá. Nếu cuộc đấu giá không thành công sẽ dẫn tới dư luận tiêu cực và làm giảm cơ hội có được một mức giá tốt cho DN trong một tương lai gần…./.
Thiện Trần