Từ những hạn chế trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới đã rút ra sáu bài học quan trọng.Từ những hạn chế trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới đã rút ra sáu bài học quan trọng. Đánh giá chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chỉ ra những hạn chế như: chương trình chưa đạt mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới; việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuề xoà...
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo, nguyên nhân của hạn chế trên là do xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp, trong khi nguồn lực của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là ở các địa phương miền núi. Chương trình triển khai vào thời kỳ suy thoái kinh tế, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Về chủ quan, nhận thức của một bộ phận cán bộ và Nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là từ ngân sách Trung ương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp uỷ, chính quyền thiếu sâu sát, quyết liệt, một bộ phận lại quá nôn nóng, chạy theo thành tích; sự tham gia của một số tổ chức cơ sở Đảng và đoàn thể còn hạn chế. Ngoài ra, tiêu chí, cơ chế chính sách có một số điểm chưa phù hợp, vận dụng máy móc, kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả như mong đợi. Từ đó, Ban Chỉ đạo rút ra sáu bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ hai, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình. Thứ ba, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Thứ tư, phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Thứ năm, phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo hiệu quả. Và cuối cùng, phải lồng ghép sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân./. Tâm Như tổng hợp |