Hợp lực chống buôn lậu Theo Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp; phòng chống vận chuyển buôn bán trái phép ma túy. Từ thực trạng trang thiết bị chuyên ngành của Cục Hải quan THCM để đáp ứng nhu cầu cải cách hiện đại hóa, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tăng thu ngân sách cho ngành, thành phố, đồng thời phát huy hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống vận chuyển buôn bán trái phép ma túy, Cục Hải TPHCM đề xuất lãnh đạo thành phố quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí trang bị thêm máy soi container tại tất cả các chi cục cảng biển, đảm bảo khi hàng vào cổng cảng thì có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan bằng máy soi container; Trang bị máy soi (màu) hàng hóa tại các kho tập kết hàng xuất khẩu, kho CFS thuộc khu vực cảng biển; Trang bị phương tiện kiểm tra chuyên dùng trong công tác kiểm soát ma tuý như: công cụ vũ khí hỗ trợ, xe máy chuyên dụng, thiết bị kiểm tra đầu dò container, thiết bị đo khoảng cách và độ dày container, máy ngửi ma túy, cân điện tử… Với kiến nghị này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Cục Hải quan TPHCM thuộc ngành dọc, cơ quan chủ quản là Tổng cục Hải quan, nên việc đầu tư trang thiết bị thuộc quyết định của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, TPHCM luôn ủng hộ và sẵn sàng trích nguồn thu vượt dự toán để đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực hoạt động của Hải quan thành phố cũng như phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Về kiến nghị của Cục Hải quan TPHCM về cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị lãnh đạo TPHCM có văn bản chỉ đạo xuyên suốt tất cả các cơ quan ban ngành thiết lập hệ thống thông tin và ký kết quy chế trao đổi thông tin giữa các đơn vị. Phối hợp với Cục Hải quan TPHCM rà soát, phân tích, xử lý thông tin đối với mặt hàng, doanh nghiệp có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đổi với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển tải bất hợp pháp. Rất đồng tình với kiến nghị trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Cục Hải quan TPHCM đã thực hiện tốt số hóa cần phải đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo, nhận dạng hành vi, từ đó giúp việc kiểm soát được hiệu quả hơn. Đồng thời, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cần khảo sát tình hình và đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc số hóa dữ liệu của Cục Hải quan thành phố, để từ đó triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XNK Để tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành, tại buổi làm việc, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị UBND TPHCM có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền ban hành những quy định về KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP. Công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Bộ quản lý chuyên ngành về danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; Tham gia kết nối và xử lý được việc trừ lùi giấy phép của tất các cơ quan chức năng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Công nhận và chấp nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...); Công bố rõ ràng về tiêu chuẩn áp dụng, phương thức kiểm tra theo thông lệ quốc tế; Tăng cường các nguồn lực cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, rút ngắn thời gian có thể để ra kết quả kiểm tra một cách trong thời gian sớm nhất. Triệt để sử dụng cổng thông tin một cửa quốc gia trong việc đăng ký và trả kết quả quản lý chuyên ngành. Về đề án “Xây dựng Hệ thống quản trị tập trung (HCAS)” là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm hệ thống hỗ trợ làm việc, kết nối với các sở ban ngành, lực lượng liên quan trong công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ Hải quan. Vì vậy, việc hoàn thiện đề án là rất cần thiết để: nâng cao năng lực, năng suất, hiệu quả, tính chuyên nghiệp của công chức Hải quan trong thời đại mới. Đề án này đã được lãnh đạo UBND TPHCM đồng ý về mặt chủ trương cấp kinh phí thực hiện. Cục Hải quan TPHCM đề xuất UBND thành phố có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ quan ban ngành hỗ trợ về nghiệp vụ cho phép đề án của Cục Hải quan TPHCM có thể kết nối với cơ sở kho dữ liệu dùng chung trong đề án Đô thị thông minh của thành phố. Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM cũng kiến nghị lãnh đạo TPHCM có ý kiến với các cơ quan ban ngành trong quá trình lập kế hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, các cảng biển mới cần thiết kế, quy hoạch về quỹ đất dành cho việc xây dựng trụ sở làm việc, kho lưu trữ hồ sơ và kho tạm giữ hàng hóa vi phạm của cơ quan Hải quan. Theo Hải quan TPHCM, việc làm này tránh tình trạng như hiện nay: cụm cảng và khu công nghiệp đã hình thành nhưng trụ sở làm việc của cơ quan Hải quan chưa có, phải làm việc tạm bợ cùng với các lực lượng khác trong tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh, thiếu ánh sáng, công tác bài trí, sắp xếp thiếu khoa học, thiếu sự ngăn nắp,… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và năng suất làm việc của CBCC Cục Hải quan TP.HCM. Kiến nghị chỉ tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển các cụm cảng trọng điểm của thành phố như: cụm cảng Cát Lái; cụm cảng Hiệp Phước; cụm cảng Tân Thuận – Bến Nghé trở thành những cụm cảng hiện đại có khả năng khai thác tối đa năng suất xếp dỡ, làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp, từ các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố và các vùng lân cận; đồng thời phân phối hàng hóa nhập khẩu về các doanh nghiệp trong thành phố và các địa phương khác… Các kiến nghị trên đã được lãnh đạo TPHCM ghi nhận, chỉ đạo các đơn vị có liên quan xem xét, phối hợp thực hiện./. |