Tham dự hội nghị có hơn 600 chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành Chuỗi cung ứng, bàn luận 15 chủ đề trong lĩnh vực này, trong đó có 3 chủ đề chuyên sâu về: Thu mua, sản xuất, phân phối bán lẻ và logistics.
Hội nghị đã tập trung giới thiệu thông tin về tổng quan các ngành: hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm và giải khát, nội thất, điện tử, công – nông nghiệp, dược phẩm, ô tô và xe máy; Cải tiến trong sản xuất – tương quan giữa công nghệ và hiệu quả; Thực tiễn và phương pháp sản xuất hiệu quả; Lựa chọn, xây dựng và phát triển mối quan hệ với nhà cung cấp; Thu mua nguyên vật liệu: thực tiễn & rủi ro; Thách thức logistics trong vận tải và nhà kho; Ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2015.
Các đại biểu là tổng giám đốc, giám đốc điều hành, giám đốc cung ứng, phân phối, sản xuất, logistics, thu mua, kế hoạch vật tư và tài chính từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, đáng chú ý có các ngành phân phối bán lẻ, kho vận, logistics, ô tô xe máy, điện tử, vật liệu xây dựng, da giày, dệt may, hóa chất, thực phẩm, đồ uống, năng lượng, dược phẩm, gỗ…
Trong ngày đầu khai mạc, các diễn giả đã tập trung thảo luận về chủ đề thu mua. Các diễn giả đã tập trung phân tích góc nhìn về Hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại từ Việt Nam và khu vực.
Theo các diễn giả, Việt Nam đang trong tiến trình của bốn cuộc đàm phán thương mại đa phương chính, gồm: TPP, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEF), đang thực hiện lộ trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và hiệp định thương mại tự do EU. Các thỏa thuận này sẽ có tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng xuyên châu Á. Trong khi các bên thỏa thuận đều được hưởng lợi thì Việt Nam đang ở một vị thế đặc biệt để gặt hái những thành quả to lớn nhất xét về mặt GDP.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những bài học thực tiễn từ các công ty hàng đầu thế giới đang sử dụng để đổi mới thị trường bán lẻ truyền thống và thảo luận về việc áp dụng những bài học cho Việt Nam.
Đối với ngành phân phối, bán lẻ, ông Sundi Aiyer, tư vấn quản trị cao cấp, chuỗi cung ứng và hoạt động Aiyer Group LLC cho rằng, châu Á đang ngày một trở thành tâm điểm toàn cầu của tiêu dùng và thương mại. Tầng lớp trung lưu ở châu Á sẽ chiếm 2/3 chi tiêu toàn cầu, với nhân khẩu học này ở châu Á đóng góp tới 85% tăng trưởng dân số trung lưu toàn cầu từ 1,8 tỉ USD trong năm 2010 đến 4,9 tỉ USD vào năm 2030. Theo eMarketer, năm 2013, ước tính có khoảng 1,03 tỉ người mua hàng qua kênh thương mại điện tử với tỉ lệ 44,4% ở châu Á- Thái Bình Dương, bán hàng điện tử trong khu vực dự kiến sẽ tăng 23%. Việt Nam có vị trí tốt để tận dụng lợi thế của các xu hướng phát triển này.
Tổ chức PwC Việt Nam dự báo Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2025. Triển vọng của Việt Nam hứa hẹn trong thời gian ngắn là rất tốt, với GDP trong năm 2013 dự kiến tăng 7%, và sự gia tăng 17% trong giá trị xuất nhập khẩu nửa đầu năm so với cùng kì năm trước, dẫn đến tăng 5,5% trong doanh thu khách hàng.
Theo phân tích của các diễn giả cho thấy, người tiêu dùng là "ông vua" cuối, nhờ vào quyền hạn mua hàng tốt hơn, sự đổi mới công nghệ, nhu cầu định hướng chuỗi giá trị như nền tảng thương mại điện tử và một loạt các sản phẩm có vòng đời ngày càng ngắn hơn, vị "vua" này càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn và tìm kiếm những lợi ích lớn hơn nhiều. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời các nhu cầu này để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
T.Hòa