当前位置:首页 > Cúp C1

【xếp hạng bóng đá y】Nghề vá lưới miệt biển

Báo Cà Mau(CMO) Cứ đến con trăng, vùng biển sầm uất Sông Đốc càng thêm nhộn nhịp. Những chiếc ghe nối đuôi nhau cập bến, thế là đợt vá lưới trăng nữa lại đến. Những người phụ nữ trẻ có, già có, từ nhiều nơi có dịp hội tụ trên những chiếc ghe gấp gáp hoàn thành những tấm lưới để kịp cho chuyến ra khơi.

Gắn bó với thị trấn miền biển Sông Đốc từ thời còn thơ ấu, làn gió biển nơi đây như thấm sâu vào từng làn da thớ thịt của người phụ nữ trung niên Huỳnh Thị The. Biển cả mênh mông, nhiều hiểm nguy và không kém phần vất vả như miệng đời thường nói "không gì cực bằng ngư dân miền biển". Với chị The cũng vậy, để trụ được ở vùng đất nhộn nhịp, ồn ào này, những người phụ nữ như chị phải tần tảo, không quản ngại cực nhọc mới có được miếng ăn. Sống ở biển, nếu không có điều kiện ra khơi đánh bắt thì đa phần người dân sống dựa vào hậu cần nghề biển như phơi cá, làm cá hay vá lưới.

Nghề vá lưới giúp hàng trăm phụ nữ ở huyện Trần Văn Thời và các địa phương lân cận có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Công việc vá lưới đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ.

39 tuổi đời, chị The đã có 24 năm làm nghề vá lưới. Cái nghề theo chị không cực nhọc lắm, nhưng phải ngồi suốt từ sáng đến xế chiều, phồng rộp từng đầu ngón tay, chịu cảnh lưng đau và bữa cơm trưa đạm bạc hay tươm tất tuỳ vào lòng hảo tâm của chủ ghe. Sống ở vùng biển nhưng không có phương tiện đánh bắt dù là nhỏ, bao năm qua, nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ nghề vá lưới của chị và nghề chạy xe ôm của chồng mà cả 4 thành viên trong gia đình mới gắn bó được với vùng biển này.

Con gái của chị, em Nguyễn Hồng Đào, 17 tuổi, vừa học hết lớp 5 phải gác sách vở đi theo mẹ vá lưới 3 năm qua. Nở nụ cười thật hiền, Đào nhỏ nhẹ: “Tại em không mê học nên theo vá lưới, phụ mẹ kiếm tiền. Việc này cũng không cực gì, dễ học”.

Trong số 5 chị em của chị The thì đã có 4 người gắn bó với nghề vá lưới. Kinh nghiệm nhiều năm, tay nghề cao, chị The được chị em tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác vá lưới Khóm 1, thị trấn Sông Đốc. Theo chị The, tổ hợp tác có khoảng 30 nhân công làm nghề vá lưới thường xuyên. Khi ghe vô, tức con trăng (từ Mùng 10 đến 19 âm lịch hàng tháng) chị em tập trung vá lưới ở trên ghe, còn khi ghe ra khơi thì các chị vá lưới cho chủ ghe trên bờ. Cũng có chị lãnh lưới về nhà làm ban đêm để tăng thêm thu nhập.

Những năm gần đây, nghề đánh bắt lưới như lưới rê, lưới vây, lưới kéo ở thị trấn Sông Đốc ngày càng phát triển. Cùng với đó, nhu cầu về đội ngũ vá lưới thuê cũng tăng theo, không chỉ những phụ nữ ngay địa phương miền biển như chị The có được việc làm mà nhiều lao động ở khắp các vùng quê cũng có được nguồn thu nhập đáng kể từ công việc vá lưới ven biển.

Sống ở vùng đất ngọt Rạch Lùm, xã Khánh Hưng, tài sản lớn nhất của gia đình chỉ có vài công đất ruộng, trời thương thì có lúa ăn, còn khi thất mùa mất giá đành lỗ vốn. Hơn chục năm qua, cuộc sống gia đình chị Võ Hồng Cẩm chủ yếu dựa vào những đồng tiền kiếm được từ nghề vá lưới.

Vượt quãng đường hơn 10 cây số, mặc cho cơn mưa buổi sáng nặng hạt, chị Cẩm đến sớm để tranh thủ vá lưới cùng chị em. Chị Cẩm cho biết: “Vá lưới khi ghe vô thế này, thường gọi là vá lưới trăng, tiền nhân công cao hơn, 250 ngàn đồng/ngày. Khi ghe ra mình vá lưới xe cua, tức là vá lưới ở trên bờ, tiền công ít hơn, mỗi ngày được hơn 100 ngàn đồng, còn ráp lưới thì được 300 ngàn đồng/ngày. Không có việc này thì kiếm việc khác. Chủ ghe này không có việc thì kiếm nơi khác”.

Cùng ở ấp Rạch Lùm, cuộc sống của gia đình chị Huỳnh Thị Út hoàn toàn trông chờ lộc từ biển cả. Chồng chị đi bạn cho chủ ghe lưới, thu nhập lúc nhiều lúc ít, con trai của chị 19 tuổi cũng đi theo cha chọn nghề đi bạn, còn chị theo học chị em đi vá lưới thuê. Chị Út cho biết: “Nhờ có thu nhập từ việc vá lưới mà mình xoay xở chuyện sinh hoạt hàng ngày trong gia đình”.

Ở tận xã Phú Tân, huyện Phú Tân, bà Nguyễn Thị Tốt dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn tranh thủ theo các con đi vá lưới thuê cho chủ ghe ở Sông Đốc. Đôi mắt còn sáng, chậm rãi vá từng chỗ lưới bị hở, bà Tốt cười hiền: “Thấy còn sức khoẻ đi theo các con làm cho vui, có thu nhập nữa. Tôi vá lưới cũng nhiều năm nay rồi. Ngoài tôi còn có 2 đứa con gái, thêm đứa con dâu nữa”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 1, thị trấn Sông Đốc Phan Thị Nhiên cho biết: “Ở khóm khoảng 60-70% chị em làm nghề vá lưới. Các chị vá lưới khi ghe vô, rồi khi ghe ra thì vá lưới trên bờ. Bình quân một tháng vá lưới trên 20 ngày, thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên, góp phần phát triển kinh tế gia đình”.

Sống ở biển, những người đàn ông quanh năm bám biển, đương đầu với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió. Họ được ví như những người lính nơi tiền tuyến. Còn ở hậu phương, những người phụ nữ như chị Út, chị The, chị Cẩm,… và nhiều phụ nữ khác ngày đêm họ cũng cần mẫn tạo ra những tấm lưới hoàn chỉnh, không chỉ mong muốn có được thu nhập vài trăm ngàn đồng mà còn ấp ủ hy vọng với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ sẽ góp phần đem lại niềm vui sau mỗi chuyến ra khơi khi những chiếc ghe đầy ắp cá, tôm./.

Ngọc Minh

Hiện nay, trên địa bàn Sông Đốc có 1.411 phương tiện đánh bắt thuỷ sản bằng lưới rê, lưới vây, lưới kéo, lưới câu mực... Theo đó, để phục vụ ngư cụ cho phương tiện đánh bắt mỗi chuyến ra khơi cần hàng trăm lao động vá lưới. Theo chị Ngô Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Đốc, ở địa phương có khoảng 1.795 hội viên tham gia vá lưới. Để giúp chị em làm nghề, thời gian qua, hội thành lập được 1 tổ hợp tác vá lưới ở Khóm 1 và Khóm 2, tổ phụ nữ vá lưới ở Khóm 6A, Khóm 6B.

 

分享到: