Ảnh: The Economist Tất nhiên, đây không phải là những “kỷ lục” mà Brazil muốn thiết lập trong năm 2016 khi mà quốc gia này sẽ đăng cai Thế vận hội Olympic lần đầu tiên được tổ chức ở Nam Mỹ. Khi nhận quyền đăng cai thế vận hội năm 2009, Luiz Inácio Lula da Silva giữ chức Tổng thống Brazil vào thời điểm đó đã tự hào nói rằng, Brazil đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng hiện nay, người kế nhiệm của ông, bà Dilma Rousseff với nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình bắt đầu từ tháng 1/2015 đang phải đối mặt với một chuỗi các vấn đề nghiêm trọng. Các dự báo cho thấy nền kinh tế Brazil vào cuối năm 2016 có thể thu hẹp 8% so với quý 1/2014, quý gần nhất ghi nhận một sự tăng trưởng; GDP đầu người có thể giảm 1/5 kể từ mức đỉnh đạt được năm 2010 – không tồi tệ như tình trạng của Hy Lạp nhưng cũng không mấy khả quan hơn. Hai hãng xếp hạng tín dụng đã hạ mức xếp hạng của Brazil xuống mức “rác”. Joaquim Levy, người được bổ nhiệm là bộ trưởng tài chính vào tháng 1 năm ngoái với mục đích cắt giảm thâm hụt, đã từ nhiệm vào tháng 12. Với lạm phát đang ở mức 2 con số và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đang giảm dần, Brazil thực sự đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Bê bối về chính trị cũng vô cùng đáng lo ngại. 32 thành viên đương nhiệm của Quốc hội Brazil, chủ yếu từ đảng Công nhân (PT) cánh tả của bà Rousseff đang đối mặt với điều tra nhận hối lộ hàng tỷ USD để đổi lại hợp đồng dành cho tập đoàn dầu khí nhà nước, Petrobras. Trong lịch sử, khủng hoảng không phải là một điều mới mẻ với Brazil. Khi chế độ độc tài quân sự kéo dài 2 thập kỷ chấm dứt năm 1985, Tổng thống được bầu trực tiếp đầu tiên Fernando Collor đã bị buộc tội vào năm 1992. Sau một thập kỷ “mất mát” bởi sự đình trệ và lạm phát phi mã kết thúc vào giữa thập kỷ 90, nền kinh tế bị quật ngã bởi khủng hoảng thị trường mới nổi năm 1997-98. Vào giữa những năm 2000, chính trị lại rơi vào vụ bê bối khét tiếng “mensalão” – một chương trình chuyên sử dụng tiền để đổi lấy sự ủng hộ của các nhà lập pháp trong Quốc hội. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi hiện nay giá cả hàng hóa cơ bản của Brazil bao gồm dầu mỏ, quặng sắt và đậu nành đã sụt giảm mạnh xuống mức thấp. Chỉ số hàng hóa cơ bản của Brazil do ngân hàng Credit Suisse theo dõi đã sụt giảm 41% kể từ mức đỉnh được ghi nhận vào năm 2011. Giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đã oanh tạc nhiều nền kinh tế trên toàn cầu và hậu quả để lại khá nặng nề cho Brazil do tác động cộng hưởng của năng suất thấp và chi tiêu chính phủ lãng phí và không hiệu quả. Bà Rousseff đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề này trong nhiệm kỳ trước của mình. Thay vào đó, trong nhiệm kỳ trước, chích sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, can thiệp kinh tế vi mô và liên tục thay đổi chính sách đã đè nặng lên ngân sách, thổi phồng lạm phát và xói mòn niềm tin. Kể từ khi hiến pháp năm 1988 có hiệu lực đánh dấu bước ngoặt từ chế độ độc tài quân sự sang dân chủ, chi tiêu chính phủ đã tăng gần gấp đôi lên 18% GDP, tổng mức chi tiêu công trên 40%. Quỹ lương hưu ngốn tới 11,6% GDP – một mức cao hơn cả quốc gia có cơ cấu dân số già là Nhật Bản. Tính đến năm 2014, thâm hụt ngân sách ở mức 13,9 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, ông Levy khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính đã đưa ra các biện pháp mạnh tay cắt giảm những chi tiêu tùy ý với giá trị 70 tỷ reais. Tăng thuế cũng không dễ dàng để lấp đầy các lỗ hổng tài khóa. Thuế hiện đã ngốn 36% GDP, tăng từ mức 24% năm 1991. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề lên việc thu thuế. Sau khi Standard & Poor’s và Fitch cắt giảm xếp hạng nợ của Brazil, ông Levy đã từ chức ngày 18/12. Thay thế ông là Nelson Barbosa, trước là bộ trưởng kế hoạch, với cam kết sẽ tiếp tục những chính sách tương tự. Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays dự báo rằng nợ của Brazil sẽ tăng lên mức 93% GDP năm 2019; trong số các thị trường mới nổi chỉ có Ukraine và Hungary có tỷ lệ nợ cao hơn. Tỷ lệ nợ này dường như vẫn ở mức an toàn so với tỷ lệ 197% của Hy Lạp hay 246% của Nhật. Tuy nhiên, đây là những quốc gia giàu có – khác với hoàn cảnh của Brazil. Xét trong cơ cấu tài sản, tỷ lệ nợ công của Brazil cao hơn của Nhật Bản và gần gấp đôi Hy Lạp. Đối mặt với áp lực lạm phát đi cùng với sự mất giá của đồng real, Ngân hàng Trung ương Brazil đã tăng lãi suất 3 điểm phần trăm kể từ tháng 10/2014 và giữ mức 14,25% kể từ tháng 7 trong bối cảnh suy thoái. Mặc dù vậy, đồng real vẫn tiếp tục mất giá. Có một mối lo ngại rằng ngân hàng sẽ không thể tiếp tục tăng lãi suất do có thể làm cho nợ công vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong năm nay, Brazil đã phải chi 7% GDP để trang trải nợ công. Thêm vào nữa, tăng lãi suất có thể dẫn đến lạm phát tiếp tục leo thang, nguy cơ vỡ nợ gia tăng cho chi phí vay tăng và nhà đầu tư sẽ bán tháo trái phiếu chính phủ, và hệ lụy là đồng tiền tiếp tục mất giá. Rất nhiều nhà kinh tế, bao gồm Monica de Bolle của Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson cho rằng, Brazil tiến gần đến tình trạng chính sách tài khóa lấn át chính sách tiền tệ trong việc thực thi nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế (fiscal dominance). Credit Suisse đã đưa ra cảnh báo rằng giá cả có thể tăng 17% trong năm 2017. Thập niên những năm 2010 dự có thể sẽ là một thập kỷ mất mát nữa của Brazil và GDP đầu người sẽ khó có thể phục hồi trong vài năm tới. Nếu các chính trị gia “đồng tâm hiệp lực”, triển vọng sẽ tươi sáng hơn trong những năm 2020. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng chính trị không được giải quyết, mọi việc sẽ còn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn nhiều. Brazil đối mặt với đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1901 Nền kinh tế Brazil được dự báo đang trên bờ vực của một đợt suy thoái sâu nhất kể từ năm 1901 do hoạt động kinh tế và niềm tin sụt giảm do khủng hoảng chính trị. Nền kinh tế lớn nhất Châu Mỹ Latin này sẽ sụt giảm 2,95% trong năm nay, theo một khảo sát của ngân hàng trung ương tiến hành với 100 nhà kinh tế, so với mức dự báo 2,81% trước đó. Trong năm 2015, kinh tế Brazil dự báo thu hẹp 3,71%. Các nhà hoạch định chính sách của Brazil đang chật vật với việc làm sao kiểm soát lạm phát đang leo thang với tốc độ nhanh nhất trong vòng 12 năm mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đang trong tình trạng yếu kém. Tiến trình luận tội Tổng thống cùng với bê bối tham những đang cản trở sự thông qua các chính sách kinh tế của Quốc hội. Thống đốc ngân hàng trung ương Altamir Lopes cho biết vào ngày 23/12 rằng sẽ thực hiện những chính sách cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu 4,5% vào năm 2017. |
Mai Linh (Theo The Economist, Bloomberg) |