Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân
Trải qua hành trình xuyên hai lục địa với gần 15 giờ bay không nghỉ,ầmhợptcđibờThiBnhDươty sô mu vượt hơn 14.000 km, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao (HNCC) đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ đáp xuống Sân bay quốc tế Palm Springs (Ca-li-pho-ni-a, Hoa Kỳ). Phía chủ nhà đón đoàn với nghi thức đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn rất trọng thị. Trong khi bờ đông của Hoa Kỳ như Niu Oóc, Oa-sinh-tơn lại đang trải qua một đợt bão tuyết, lạnh giá thì bang Ca-li-pho-ni-a (bờ tây Hoa Kỳ) vẫn đang tràn trề nắng, tiết trời trong lành, rất dễ chịu.
HNCC lần này được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Xăn-ni-len - một khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp - một ốc đảo nhân tạo xanh tươi nằm ở Ran-cho Mi-ra-gie trong khu vực Sa mạc Cây cọ (Ca-li-pho-ni-a), là nơi các Tổng thống và quan chức cấp cao Hoa Kỳ thường có các cuộc hội đàm, gặp gỡ quan trọng với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo, chính khách các nước để bàn các vấn đề quan trọng trên thế giới.
Khách đến nghỉ tại Xăn-ni-len không thuộc hàng "đại gia" thì cũng phải là những nhân vật nổi tiếng. Chả thế, nơi đây được mệnh danh là "Trại Đa-vít ở miền Tây", hay "Nơi thay đổi cả thế giới". Hơn nữa, cũng vì chung quanh là sa mạc, địa hình trống trải, xa các khu dân cư náo nhiệt, cho nên Xăn-ni-len cũng tiện lợi cho công tác bảo đảm an ninh nghiêm ngặt những sự kiện quan trọng. Nhóm nhà báo chúng tôi muốn vào hội nghị phải đổi hai lần xe buýt đặc chủng của an ninh Mỹ, bởi họ không cho phép bất cứ chiếc "xe lạ" nào tiếp cận khu vực quan trọng và nhạy cảm này.
Đây là HNCC đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN, cũng là HNCC ASEAN - Hoa Kỳ đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ, là một dấu mốc mới trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, đồng thời thể hiện vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao của ASEAN cũng như mong muốn của các quốc gia thành viên ASEAN tranh thủ sự hợp tác của các đối tác trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, giữ được mức tăng trưởng cao, bền vững, thúc đẩy liên kết kinh tế và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Thông qua HNCC, Hoa Kỳ muốn nâng tầm hợp tác thiết thực hơn, khẳng định sự cam kết lâu dài đối với khu vực Đông-Nam Á cũng như tổ chức ASEAN, gửi thông điệp mạnh mẽ tới công chúng Hoa Kỳ về lợi ích chiến lược của nước này gắn với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông-Nam Á.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự HNCC đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ nhằm triển khai đường lối đối ngoại, đề cao các thành tựu phát triển đất nước, tiếp tục sự nghiệp đổi mới; thể hiện vai trò chủ động, tích cực, năng động và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN sau Đại hội lần thứ XII của Đảng. Việt Nam cũng mong muốn góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ đi vào thực chất, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ASEAN và nước ta có lợi ích như: liên kết kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác và xử lý các thách thức xuyên quốc gia; thúc đẩy cam kết và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với ASEAN trong việc nâng cao năng lực, mở rộng quan hệ với các đối tác và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Hơn nữa, bốn nước ASEAN gồm Việt Nam, Xin-ga-po, Bru-nây và Ma-lai-xi-a là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó rất thuận lợi trong việc tăng cường hợp tác, kết nối với Hoa Kỳ-cũng là một thành viên TPP.
Tại phiên khai mạc HNCC, Tổng thống Hoa Kỳ B. Ô-ba-ma khẳng định mạnh mẽ, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình. Đồng thời mong muốn, Hoa Kỳ cùng với ASEAN tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với vẻ mặt luôn tươi cười, ông chia sẻ với các nhà lãnh đạo rằng, từ khi ông nắm quyền tổng thống đến nay, kim ngạch thương mại ASEAN - Hoa Kỳ tăng trưởng ấn tượng 55%. ASEAN giờ đây đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hoa Kỳ, trợ giúp hiệu quả cho xuất khẩu và tạo thêm hơn 500 nghìn việc làm cho nước này.
Tổng thống Ô-ba-ma hy vọng tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN nhằm đối phó các thách thức; bày tỏ mạnh mẽ quan điểm của Hoa Kỳ về việc tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế, trong đó có bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong phiên họp này, các nhà lãnh đạo không đeo cà-vạt, hòa cùng phong cảnh hữu tình nơi đây cũng nhằm tạo không khí thoải mái và cởi mở, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, ít gò bó vào các lễ nghi ngoại giao. Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ lại đứng trước bước ngoặt, triển vọng lớn như tại hội nghị này.
Trên diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị thời gian tới, hai bên cần triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là Kế hoạch hành động ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2016-2020, gia tăng các hoạt động hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tri thức, công nghệ giữa các doanh nghiệp hai bên nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, năng động, nâng cao năng lực công nghệ thông tin và phát triển bền vững. Thủ tướng cũng đề xuất thành lập một Trung tâm ASEAN - Hoa Kỳ về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt tại Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, sự kết nối của các doanh nghiệp ASEAN. Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được các nhà lãnh đạo nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao.
An ninh chính trị khu vực cũng là một chủ đề quan trọng khi HNCC lần này dành hẳn một buổi sáng để thảo luận về chủ đề bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là nội dung mà dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi họ hết sức quan ngại những diễn biến tại khu vực trong thời gian gần đây. Bởi thế, quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trong các phiên thảo luận, nhất là tình hình Biển Đông được các nhà lãnh đạo đồng tình ủng hộ. Có thể nói, trong hội nghị lần này, các bên đã đạt được đồng thuận, nhất trí cao về mặt định hướng lớn và nguyên tắc cơ bản là đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề lớn của khu vực, trong đó tận dụng các cơ chế sẵn có của ASEAN giải quyết vấn đề an ninh khu vực; tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực thi nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Không những vậy, các bên còn thống nhất đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện các cam kết. Đây cũng chính là những điểm nhấn quan trọng của HNCC lần này.
Bên lề HNCC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có một số cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo như Tổng thống B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Thái-lan P.Chan-ô-cha, Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô. Trong đó, đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến dài 40 phút rất thành công với Tổng thống Ô-ba-ma. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, TPP đã được ký chính thức, do đó các bên cần khẩn trương hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định theo quy định của từng nước, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ: sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; hỗ trợ Việt Nam trên một số lĩnh vực nhằm thúc đẩy hàng xuất khẩu Việt Nam vào nước này; tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam; dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Tổng thống Ô-ba-ma bày tỏ nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khẳng định, sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ phối hợp phía Việt Nam đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp từng vấn đề nhằm tăng cường lòng tin, hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Thông báo về tình hình phức tạp trên Biển Đông, nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, sớm thỏa thuận thực chất COC. Đồng tình quan điểm này, Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định, Hoa Kỳ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và DOC.
HNCC đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng tầm hợp tác đôi bờ Thái Bình Dương, trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, qua đó, thêm một lần nữa, vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực, năng động, có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN cũng như quốc tế, luôn nỗ lực vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.
HÀ THANH GIANG