Ảnh minh họa |
Đồng thời, các ngân hàng này phải giảm lãi suất các khoản vay cũ của khách hàng, giãn nợ tối đa 12 tháng với khách hàng vay tạm thời chưa trả được nợ.
Theo đó, NHNN đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh, TP phối hợp chặt chẽ với các Sở NNN-PTNT, hiệp hội, ngành nghề trên địa bàn chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng sản xuất, hàng tồn kho, tỷ lệ hàng tồn kho, tình hình tài chính, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…), từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ và mở rộng tín dụng cho phù hợp, hiệu quả đối với từng ngành nghề, lĩnh vực của địa phương.
Thực tế đã có một số ngân hàng hướng về địa bàn nông thôn coi đó là lối thoát trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), cho biết tính đến hết tháng 7/2012, tăng trưởng tín dụng của OceanBank đạt 18%, một phần là nhờ đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp nông thôn.
Cũng theo ông Hoàn, với hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa 30% trong năm 2012, OceanBank sẽ tiếp tục đẩy vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Chúng tôi không sợ rủi ro, vì đi kèm với đẩy mạnh tín dụng là việc tăng cường quản trị rủi ro, kiểm soát dòng tiền, kiểm soát nợ xấu”, ông Hoàn nói.
Tương tự OceanBank, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi để cho vay nông nghiệp, nông thôn với lãi suất thấp, như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Agribank, Vietcombank…
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, khẳng định, cho vay nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng.
Tuy nhiên, đây mới là những động thái ban đầu, để dòng tín dụng chảy thực sự về nông thôn, NHNN và các ngân hàng thương mại còn phải nỗ lực rất nhiều.
Dự kiến, trong tháng 9 tới, NHNN sẽ ban hành quy định mới về mở rộng mạng lưới của các tổ chức tín dụng, trong đó khuyến khích các ngân hàng mở rộng mạng lưới ra vùng nông thôn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, hiện mật độ các tổ chức tín dụng của Việt Nam quá dày đặc, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (gần 60% các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng hay các điểm giao dịch tập trung ở 2 TP này). Trong khi đó, ở vùng sâu, vùng xa, mạng lưới hệ thống ngân hàng lại rất mỏng.
Do đó, trong Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN đã đặt ra mục tiêu với các ngân hàng ở TP lớn là nâng cao quy mô, giãn mật độ, đồng thời hướng chi nhánh của các ngân hàng về vùng nông thôn.
Nguồn: Chinhphu.vn