Tác giả tác nghiệp tại trường vùng sâu của huyện Bù Gia Mập (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
Đã gần 7 năm tôi được gắn bó với đúng ngành, đúng nghề mà mình theo đuổi. Năm 2014, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 với tấm bằng thủ khoa ngành báo chí, điều khiến bạn bè ngạc nhiên là con bé sinh viên đầy năng động, luôn vui tươi lại chọn về một đài truyền thanh huyện hơi “hẻo lánh” để “chôn” nghề. Nhiều bạn bè khuyên: Suy nghĩ lại đi. Tôi trả lời: Miễn làm đúng nghề là được.
Nếu để nói có tiếc hay không, hay có muốn từ bỏ hay không thì đương nhiên đã hơn một lần tôi muốn dừng lại, muốn thoát sự bình lặng để tìm cho mình những áp lực phát triển. Nhưng có trải qua khó khăn mới thấy trân quý những vất vả, khó khăn của những phóng viên, biên tập viên đài huyện. Ai cũng chọn nơi thành thị, việc vùng quê sẽ dành phần ai?. Nói vui là vậy nhưng có lẽ tôi không xa được nơi này, nơi đã chọn tôi để tôi được làm điều mình thích và đam mê, đó là Đài Truyền thanh huyện Bù Gia Mập.
Bù Gia Mập, cái tên huyện mà người ta vẫn nói đọc muốn trẹo lưỡi chính là nơi tôi đã gắn bó với công việc: phóng viên - phát thanh viên. Bù Gia Mập là nơi khi nhắc đến sẽ hiện lên trong tâm trí mỗi người là một huyện khó khăn, miền núi, biên giới nhưng thắm đượm tình người. Từ nhà tôi đến cơ quan hơn 20 km. Là phóng viên đi nhiều hơn ở; trên chiếc xe máy, tôi bon bon qua mọi cung đường, dễ có, khó có, trơn trượt, mưa bụi cũng có. Có những ngày mưa to hay nắng gắt vẫn phải đi, thậm chí làm nghề này buộc một đứa con gái phải tôi luyện được sự gan dạ.
Nhớ về những kỷ niệm làm nghề, tôi không quên được có hôm đi quay ở thôn về gặp mưa lớn, được một bác nông dân cho chiếc áo mưa. Áo nhỏ nếu mặc thì không thể che máy quay, người ướt về lỡ cảm có thể uống thuốc chứ máy ướt thì không thể được. Thế là phải nhường mưa bọc cho “em” máy quay cẩn thận rồi đội mưa chạy về, miễn sao máy không hư, không ướt là được. Lần đó về, tôi sốt 3 ngày liền nhưng vì không có người thay mảng phát thanh viên nên vẫn phải đi làm, đến khi chuẩn bị đọc thì uống thuốc hạ sốt cho cắt cơn rồi vào đọc.
Có người nói làm ở huyện thì nhàn rỗi. Cũng có thể nhàn rỗi nhưng khối lượng công việc kiêm nhiệm là 2,3. Cơ sở vật chất, lực lượng đều ít nên đòi hỏi mỗi người đều phải biết nhiều chứ không chỉ 1 việc. Tuy nhiên, với những phóng viên tác nghiệp nơi mưa lũ, nơi dịch bệnh hay vùng đảo xa sẽ thấy mình nhỏ bé đến nhường nào. Tôi vẫn là một hạt cát bé nhỏ của nghề báo. Tuy chưa được gọi là một nhà báo nhưng tôi vinh dự và tự hào khi mình được làm những công việc của nghề báo.
Ngày 21-6 - ngày tôn vinh những người làm báo thầm lặng. Ngày này, những người bạn không theo được nghề chắc chắn sẽ đôi chút chạnh lòng, nhưng tôi vẫn luôn chúc những người đã thích nghề, đang được theo nghề sẽ luôn giữ vững tâm niệm: Tâm trong - Trí sáng để ngòi bút thêm sắc. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo. Và nếu được chọn thêm, tôi xin chọn làm nhà báo.