Quy mô không ngừng lớn mạnh,ếkỷnhiềudấuấntăngtrưởngđángtựhàbảng xep hạng y vượt mục tiêu chiến lược Trải qua 25 năm thành lập Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và hơn 21 năm vận hành thị trường chứng khoán (TTCK), dù chặng đường chưa thực sự dài và còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành quả đáng tự hào của ngành Chứng khoán đã khẳng định chủ trương xây dựng TTCK là rất đúng đắn. Quá trình phát triển TTCK đi từ thấp đến cao, trong đó chú trọng ngay từ đầu đến vấn đề minh bạch, công bố thông tin, quản trị công ty và tự động hoá các khâu giao dịch, thanh toán. Công tác tái cấu trúc được triển khai một cách kiên định, đồng thời hướng tới việc mở rộng các sản phẩm mới, thị trường mới. Thông tin từ UBCKNN cho biết, quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Tổng quy mô TTCK cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỷ trọng 47% tổng tài sản hệ thống tài chính, ngày càng tiệm cận với quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146,2% GDP và cao hơn nhiều so với tỉ trọng 21% của năm 2010. Riêng quy mô thị trường cổ phiếu đã đạt 118,6% GDP vào cuối tháng 10/2021. Dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 47,83% GDP tại thời điểm cuối năm 2020, gấp gần 3 lần quy mô dư nợ thị trường trái phiếu trên GDP năm 2011, vượt mục tiêu đề ra, ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và Chính phủ. Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, TTCK Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số và giá trị giao dịch. Tính cuối tháng 10/2021, VN-Index đạt 1.444,27 điểm điểm, tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 10 đạt 1.685 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% với cuối năm 2020 với 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 896 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trên 1 tỷ USD mỗi phiên. Dù còn khá non trẻ nhưng TTCK phái sinh cũng đã phát triển nhanh chóng. Khối lượng giao dịch bình quân phiên năm 2020 gấp hơn 14,2 lần so với năm 2017. TTCK phái sinh ra đời và vận hành ổn định đã cung cấp thêm cho thị trường các công cụ phòng vệ và đầu tư. Nhiều kết quả cho thấy tăng trưởng theo chiều sâu Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển về công nghệ thông tin, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính. Nhờ đó, các tổ chức này đã cải thiện rõ nét chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính tuân thủ của khách hàng và quản trị rủi ro trong quá trình hoạt động, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. TTCK Việt Nam còn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3000 tài khoản năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 1 triệu nhà đầu tư mới nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt gần 3,8 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số. Chất lượng nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Việc tham gia tích cực của khối ngoại và các nhà đầu tư có tổ chức vào TTCK Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế đối với các công ty niêm yết. TTCK được xem là “bệ phóng” cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường. Trong công tác cổ phần hóa, TTCK đóng vai trò tích cực, tạo thuận lợi doanh nghiệp nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đã có 652 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2011 - 2020 với tổng số cổ phần đã bán được là hơn 5.718 triệu cổ phần với tổng giá trị thu về là 229 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính công bằng và minh bạch trên TTCK đã không ngừng được tăng cường, TTCK Việt Nam cũng đang tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hơn, bền vững hơn thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tài chính toàn cầu. Đồng thời, TTCK Việt Nam đã chủ động và tích cực hòa mình vào xu hướng hội nhập chung, thông qua các cam kết hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương lớn. * Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN: Khẳng định vị trí của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế quốc dân 25 năm chưa phải là hành trình dài, nhưng với những thành quả đạt được của TTCK, đó là hành trang, là nền tảng vững chắc để ngành Chứng khoán tiến bước, vươn xa. Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở vững chắc vào một giai đoạn phát triển mới trong 10, 20 năm nữa - giai đoạn tăng trưởng mạnh hơn về chất, tăng tính bền vững, để khẳng định vị trí của TTCK trong nền kinh tế quốc dân. Và để làm được điều đó, ngành Chứng khoán vẫn rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, động viên của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự đồng hành của thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngành Chứng khoán sẽ đặt quyết tâm và nỗ lực cao nhất để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đưa TTCK phát triển mạnh mẽ, bền vững, tiếp tục nâng cao vai trò trong nền kinh tế, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế. * Ông Dominic Scriven – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam: Ngành Chứng khoán đã đi từ con số “0” đến nay đã “có” rất nhiều Nhìn lại 25 năm qua, ngành Chứng khoán nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đã có sự thay đổi rất lớn. Có thể nói rằng, chúng ta đi từ con số “0” và đến nay đã “có” rất nhiều. Xuất phát từ những khái niệm tưởng như “vô hình”, nhưng qua quá trình xây dựng và trưởng thành, TTCK Việt Nam đến nay đã hình thành được một thể chế thị trường tương đối toàn diện, từ khung pháp lý, cấu trúc thị trường, các sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức cung cấp dịch vụ, đến sản phẩm, dịch vụ mới và nền tảng nhà đầu tư đông đảo. Tôi nghĩ điều này có được là vì Việt Nam đã định hình được mô hình TTCK tương đối tiên tiến ngay từ đầu. Có một điều đặc biệt mà Việt Nam khác với nhiều nước khác, là Việt Nam thành lập cơ quan quản lý trước khi có thị trường. Ở nhiều nước khác thường ngược lại, có thị trường rồi sau đó mới thành lập cơ quan quản lý nhà nước. Đây là bước đi đúng,“chắc ăn hơn” của Việt Nam. Cá nhân tôi thấy rằng, chúng ta đã trải qua một phần tư thế kỷ rất ý nghĩa, cũng có rủi ro, thách thức nhưng đầy thú vị và TTCK đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. * Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDIRECT: Thị trường hiện có những tiền đề tuyệt vời để kiến tạo sự phát triển bền vững Tôi nhận thấy TTCK Việt Nam hiện nay có những tiền đề tuyệt vời để kiến tạo sự phát triển bền vững. Trong 2 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam hoạt động sôi động, thanh khoản và điểm số tăng mạnh với số lượng nhà đầu tư mới tham gia rất lớn. Đặc biệt, kiến thức về đầu tư chứng khoán đang dần dần ngấm hơn vào hàng triệu người dân, dòng tiền nhàn rỗi thay vì chỉ biết gửi tiết kiệm hay dồn vào sắt thép, xi măng, bất động sản như nhiều năm trước thì nay đang ngày càng chọn chảy vào cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ tài chính đa dạng… TTCK ngày càng thể hiện rõ nét, đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp có thể huy động vốn chủ động và ngày càng nhiều nhà đầu tư có cơ hội gia tăng tài sản tài chính của mình. |