(CMO) Thấm thoát đã hơn 30 năm kể từ ngày ông Hai Dễ (Trần Văn Dễ), ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời gắn bó với mảnh đất này. Chẳng ai ngờ vùng đất cầm trâu ngày xưa giờ đã thay da đổi thịt, những cánh đồng năn ngút ngàn giờ là cánh đồng lúa vàng tươi trĩu hạt; vùng đất phèn, nước trong thấy đáy kênh đã là nơi trú ngụ của con tôm, con cá…
Trải qua những năm tháng khó khăn, gắn chặt với cây lúa, com tôm, giờ đây ông Hai Dễ (Trần Văn Dễ), đã thành công trên mảnh đất quê hương mình. Không chỉ ông Hai Dễ, mà nhắc đến Kinh Hội, ai ở xã Khánh Bình đều tự hào vì quê hương mình đang ngày càng đổi mới. Anh Dương Minh Sang, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho biết, trước khi chuyển dịch qua một vụ lúa, một vụ tôm thì vùng đất này bỏ hoang nhiều lắm, có trồng lúa nhưng diện tích không nhiều, năng suất thấp. Ðến khi có đập, nước bắt đầu ngọt, bà con mới thuận lợi trong nuôi trồng đến bây giờ.
Tính riêng vụ lúa - tôm này, toàn xã có hơn 216 ha, tập trung ở một phần ấp Kinh Hội và ấp Chống Mỹ, chủ yếu là giống lúa ST24, Hầm trâu, Ðài thơm 8... năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha, được thương lái mua tại ruộng với giá 8.200 đồng/kg. Nhờ chuyển đổi trồng lúa đúng theo quy trình mà vùng đất này đã xen canh lúa - tôm đạt hiệu quả khá cao.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa sắp thu hoạch, ông Hai Ðức (Ngô Minh Ðức), Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hội, khẳng khái: “Ðó mấy chú thấy không, chỗ đó ngày xưa là trâu ở trên cánh đồng năn, cả trăm con ở đây. Bà con hồi đó nuôi trâu nhiều dữ lắm, mỗi hộ dân cũng có từ 3-5 con trâu, có ai biết làm lúa 2 vụ, nuôi tôm gì đâu”.
Gắn bó cả cuộc đời với vùng đất cầm trâu này, từ khi ra riêng (năm 1985), cha mẹ cho ông Hai Dễ chỉ 1 công đất và một số vật dụng, vợ chồng ông Hai Dễ quần quật sớm hôm để lo cho cuộc sống gia đình, sang được 7 công trồng lúa 2 vụ. Ông Hai Dễ tâm sự: “Nói thiệt chớ, hồi đó không làm lấy gì ăn! Mình làm chủ yếu mua đất cho mình và cho mấy đứa nhỏ sau này, nhà cột cặm đơn sơ, đủ che mưa che nắng là được rồi”.
Mang kỷ vật là cây chĩa cá ra ngắm nghía, ông Hai Dễ hồi nhớ: “Tính ra cũng hơn 10 năm rồi; ban đêm trời nhá nhem tối là lấy đèn đội trên đầu, chống xuồng đi khắp cánh đồng năn, đi soi đến gần sáng mới về. Ðược nhiều loại cá đồng như cá lóc, cá trê…, bữa nào nhiều thì được gần chục ký cá, sáng vợ mang ra chợ bán. Vừa đi soi cá, hôm nào khoẻ thì đi cắt lúa mướn cho người ta để có tiền lo cho hai đứa nhỏ. Có những năm, mùa nước lụt càng vất vả hơn”.
Bà Lê Thị Hải (vợ ông Hai Dễ) xúc động: “Thấy vậy chớ cặp mắt ổng giờ yếu lắm rồi, nhìn xa có thấy đâu. Cũng vì những đêm đi chĩa cá, mắt phải nhìn kỹ, đâm cá phải đâm khúc đuôi thì cá mới còn sống, đến sáng mang ra chợ bán người ta không chê”.
Kinh Hội hôm nay
Khi có chủ trương khu vực này trồng 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (khoảng năm 1993), bà con ở Kinh Hội hớn hở đào vuông, bao ví để nuôi tôm, nhưng ai có ngờ vụ đầu tiên ai cũng thất trắng vì dư vị phèn.
Ông Hai Dễ cho biết: “Phèn vàng cháy, đỏ tươi thì con gì, cây gì mà sống. Cũng vì mình không biết cải tạo, xổ phèn nên mới như vậy. Sau năm đó làm từ từ, rồi thả tôm sú vào. Chủ yếu là bơm nước ngọt ra bỏ hết, lấy nước mặn vào cho năn chết, rồi tạt vôi, thuốc cá, bón phân, sau đó mới mua tôm về thả”.
Cũng từ thời điểm ấy mà người dân phất lên. Ông Hai Ðức bộc bạch: “Khi đã nắm vững được kỹ thuật, nông dân thu hoạch tôm sú theo kiểu gối đầu, thu hoạch xuyên suốt. Mỗi ký tôm thời ấy cũng 60.000-70.000 đồng, mà vàng 1 chỉ có 400.000 đồng. Vậy là nhà tường cứ cất lên đều đều. Tính sơ sơ, năm nay toàn ấp có trên 100 ha lúa - tôm đang bắt đầu thu hoạch vụ Tết; dự kiến năm tới sẽ có thêm 3 hộ thoát nghèo nữa là xoá trắng”.
Trên tuyến đường kiểu mẫu của ấp Kinh Hội, bà con đang tất bật thu hoạch lúa, do thuộc vùng đất trũng nên bà con chủ yếu thu hoạch lúa cắt tay. Tiếng nói cười rôm rả của những thợ cắt, phía xa xa là những chiếc máy đang suốt lúa càng tăng thêm không khí hối hả của những ngày cuối năm.
Người dân Kinh Hội giờ đã ổn định cuộc sống nhờ cây lúa, con tôm. Nhắc đến nghề cắt lúa mướn, ông Hai Dễ cũng được xem là "sư phụ". Năm xưa, từng gặt lúa mướn cho người ta, giờ khi đã có cơ ngơi ổn định, ông cũng ra cánh đồng cùng đội thợ cắt. Ông Hai Dễ tâm sự: “Nhà mình không có công lao động nên mướn bà con gặt 500.000 đồng/công. Tính ra, hơn mười mấy công đất này cắt khoảng 1 tuần lễ mới xong. Mình làm lúa này chủ yếu để lấy rạ nuôi tôm. Thấy bà con cắt lúa nhớ hồi xưa mình như vậy. Coi như mình giúp đỡ bà con, đi cắt lúa có thiếu thốn cơm nước, tiền bạc… thì mình hỗ trợ hết mình”.
Khi mặt trời đứng bóng, đội cắt lúa ăn vội bữa cơm ngoài bờ ruộng, đến quá trưa thì họ về nghỉ ngơi lấy sức, đến sáng ngày hôm sau tiếp tục công việc của mình.
Ông Phạm Văn Hê (Năm Hê), chủ máy suốt, xã Khánh Bình, cho biết: “Năm ngoái do lượng mưa quá nhiều vào cuối năm nên suốt cho bà con bị ngập giá 10.000 đồng/giạ, còn năm nay thời tiết ổn định, thấy lúa bà con ở vùng này tương đối trúng, 1 công cỡ 100 bao, mà giá lúa cũng ổn định. Bình quân suốt một bao giá 20.000 đồng”.
Cứ thế máy suốt của ông Năm Hê làm việc hết nhà này đến nhà khác, lúa trúng đội máy suốt cũng có công ăn việc làm, ai cũng có đồng ra đồng vô khi Tết đã cận kề. Sau những năm tháng vất vả, người dân Kinh Hội giờ đây đã ăn nên làm ra từ cây lúa, con tôm, những căn nhà tường khang trang mọc lên ngày càng nhiều bên dòng Kinh Hội.
Càng vui hơn, như lời anh Dương Minh Sang, Phó chủ tịch UBND xã: “Tết năm nay người dân ai cũng phấn khởi vì tuyến lộ nơi đây được đầu tư xây dựng, có cầu bắc qua sông Kinh Hội, tuyến lộ này 3 m, đấu nối ấp Kinh Hội thông tuyến với các xã khác. Xe 4 bánh, xe chở lúa đi đến tận nhà bà con”./.
Nhật Minh
【kq ânh】Bên dòng Kinh Hội
人参与 | 时间:2025-01-12 23:42:33
相关文章
- Hải quan Lào Cai “nâng bước” cho nông sản xuất ngoại
- 'Thám tử' ra giá 120 triệu đồng để tìm phó giám đốc chi nhánh ngân hàng mất tích
- Đi vào cao tốc Đại lộ Thăng Long, tài xế xe máy tử vong sau va chạm với ô tô
- Tài xế xe 16 chỗ vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát dùng ô tô đặc chủng đưa khách về
- Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Phước hôm nay 6
- Bỏ hộ khẩu giấy: Kiên quyết xử lý trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu dân
- Làm rõ vụ thanh niên nằm trước xe máy bị mất cắp để chờ công an tới giải quyết
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 17 nghìn hộ dân khát nước bên nhà máy 35 tỷ 'đắp chiếu' nhiều năm
- Hơn 1.400 tỷ đồng nạo vét luồng Cái Mép
评论专区