Tạo môi trường kinh doanh minh bạch
Theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hướng dẫn sử dụng HĐĐT, HĐĐT sẽ được áp dụng bắt buộc đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng HĐĐT mà không được chọn sử dụng loại hoá đơn như trước đây. Một số trường hợp đặc biệt không thể sử dụng HĐĐT thì cơ quan Thuế đặt in hoá đơn để cấp hoặc bán cho doanh nghiệp sử dụng.
Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, HĐĐT không những giúp doanh nghiệp nhận được những giá trị hữu hình mà còn có thể nhận được những giá trị vô hình khác không thể quy đổi thành tiền được. Đó là giá trị cơ hội khi cung cấp cho khách hàng dịch vụ hiện đại, tiện ích, nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp như tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy, sử dụng hóa đơn giấy do tính bảo mật không cao đã tạo ra kẽ hở rất lớn cho một số đối tượng lập nhiều doanh nghiệp khác nhau, không kinh doanh nhưng vẫn sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ thuế, hoàn thuế Giá trị gia tăng, gian lận thuế, trốn thuế. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“HĐĐT và HĐĐT có mã xác thực có tính bảo mật rất cao vì sử dụng chữ ký số nên khả năng làm giả hóa đơn rất khó. Vì vậy, tôi cho rằng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, thay vì sử dụng hóa đơn giấy nên sử dụng HĐĐT bởi đây là biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình trước nạn làm giả hóa đơn”, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị.
Theo ông Hoàng Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ tin học EFY Việt Nam, ngành thuế triển khai HĐĐT thay thế cho hoá đơn giấy là việc làm vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp và người dân. Cụm từ HĐĐT trong những năm qua đã không còn quá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam và doanh nghiệp bởi những tiện ích mà nó mang lại. Đặc biệt, với việc Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế dành ra một thời gian dài đến tận năm 2020 mới chính thức yêu cầu tất cả các doanh nghiệp áp dụng thì lo ngại về bất đồng, về thói quen cũng như những tương thích trong quá trình triển khai sẽ khó xảy ra. Với tầm nhìn đến năm 2020 của ngành Tài chính, 90% doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng hoàn toàn HĐĐT thay thế cho hoá đơn giấy truyền thống, đây được cho là xu thế tất yếu của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Lựa chọn phần mềm thích hợp
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để HĐĐT triển khai rộng rãi được thuận lợi nhất, tránh những rào cản thì phần mềm mới khởi tạo HĐĐT phải có tính hoạt động độc lập với phần mềm quản trị doanh nghiệp, không phụ thuộc vào bất kỳ ứng dụng nào khác.
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thuấn cho rằng, lâu nay các phần mềm bán hàng, kế toán, phần mềm quản trị doanh nghiệp không kết nối, tích hợp được với phần mềm khởi tạo HĐĐT. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí phụ thuộc để đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp.
“Nếu giải quyết được vấn đề nêu trên bằng một quy định cụ thể thống nhất sẽ làm giảm chi phí phụ thuộc cho doanh nghiệp khi sử dụng hệ thống các phần mềm trong quá trình quản trị doanh nghiệp, đồng thời, đây cũng là động lực, là yếu tố tích cực giúp doanh nghiệp tham gia sử dụng HĐĐT trong thời gian tới”, ông Thuấn chia sẻ.
Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhận định rằng, do là loại hình mới triển khai đồng thời phải áp dụng nhiều vấn đề công nghệ nên để sử dụng HĐĐT, các doanh nghiệp cần phải lựa chọn tổ chức cung cấp chứng thư số (T-VAN) hợp pháp, đáng tin cậy để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ.
“Hiện nay, có nhiều tổ chức cùng quảng cáo dịch vụ cung cấp giải pháp HĐĐT mà doanh nghiệp không thể phân biệt đâu là đáng tin cậy để ký hợp đồng. Hơn nữa, một số chỉ tiêu mà người sử dụng không thể kiểm chứng được như: hệ thống thiết bị, kỹ thuật; năng lực của đội ngũ nhân sự kỹ thuật; khả năng sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu; an toàn hệ thống luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp nếu xảy ra sự cố. Do vậy, doanh nghiệp cần lựa chọn những đơn vị cung cấp phần mềm uy tín, có kinh nghiệm để tránh những sai sót gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh”, ông Ngô Trí Long lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Cúc đánh giá việc triển khai ứng dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan Thuế tại các tỉnh, thành phố lớn cũng như quy định mới về HĐĐT áp dụng rộng rãi, tiến đến bắt buộc là bước chuyển lớn, đột phá trong tiến trình cải cách công tác quản lý thuế. Theo bà Cúc, để triển khai HĐĐT hiệu quả, phải chuẩn bị kĩ càng về hạ tầng truyền thông tin, cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu. Tuy nhiên, do khách quan, đến thời điểm này vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Do vậy, để việc triển khai HĐĐT không bị gián đoạn hoặc gặp khó khăn, Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã gia hạn hiệu lực của các Nghị định về hoá đơn hiện hành và quy định xử lý chuyển tiếp. Theo đó, trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành. Đến ngày 1/11/2020, các Nghị định này mới hết hiệu lực thi hành. |