Khi vua Gia Long qua đời,ịThanhHnhthnhvphttriểnCngcuộcmởđấtthờinhNguyễkết quả queretaro vua Minh Mạng kế vị năm 1819, tiếp tục chính sách cai trị của Gia Long, đối với đất Gia Định. Đến năm 1832, vua Minh Mạng chấm dứt chế độ tản quyền, chia đất Gia Định thành 6 tỉnh, gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Lúc này, vùng đất Vị Thanh - Hỏa Lựu thuộc trấn Hà Tiên, huyện Kiên Giang.
Một góc Hồ Sen, thành phố Vị Thanh những ngày mới cải tạo (năm 2001).
Từ năm 1836, nhà Nguyễn cho tổ chức các đoàn kinh lược sứ, thực hiện nhiệm vụ đạc điền, lập địa bạ. Đây là biện pháp vừa nắm chính xác toàn bộ đất Nam kỳ, vừa khắc phục tình trạng chiếm hữu tự do, khai thuế đại khái, không có sổ sách ghi chép cẩn thận. Ngoài ra, tránh những kẻ cường hào, ác bá xâm chiếm đất đai và có căn cứ để giải quyết tranh chấp, kiện tụng.
Kết quả đo đạc, lập địa bạ cho thấy việc phân phối điền thổ theo đơn vị hành chính, toàn trấn Hà Tiên có 145 làng, gồm 43 xã và 102 thôn. Tổng diện tích đã đo đạc 3.132 mẫu, 1 sào, 8 thước tấc. Trong đó, diện tích điền canh các loại 2.750 mẫu, 6 sào, 8 thước. Dân cư thổ (đất ở gồm cả vườn cây) 34 mẫu, 1 sào, 4 thước.
Huyện Kiên Giang thời điểm này có tổng diện tích đã đo đạc: 526 mẫu, 9 sào, 7 thước, 3 tấc. Trong đó, điền thực canh: 26 mẫu, 9 sào, 7 thước, 3 tấc. Dân cư thổ 34 mẫu, 1 sào, 4 thước. Tổng Giang Ninh lúc này gồm 11 xã, thôn; có tổng diện tích đo đạc được 77 mẫu, 9 sào, 13 thước. Làng Hỏa Lựu đo được 7 mẫu, dân cư thổ 6 sào, 6 thước. Ngoài ra, đất hoang có 2 khoảnh. Tên xã trưởng là Lựu Chạm, chỉ lăn tay, chưa có dấu.
Theo phân tích địa bạ, huyện Kiên Giang gồm 56 làng, thôn, diện tích thực canh: 492 mẫu, 8 sào, 3 thước, 3 tấc, nhưng chỉ có 1 địa chủ sở hữu 16 mẫu, 3 sào, 6 thước, chiếm tỷ lệ 3,3%, còn lại 96% là công điền. Như vậy, sẽ có một bộ phận dân được cấp đất hoặc thuê đất canh tác.
Riêng phần đất đo được của làng Hỏa Lựu, chỉ mới có 7 mẫu đã cho thấy việc khẩn hoang còn chậm, số dân cư chưa nhiều. Bởi toàn trấn Hà Tiên mới có 1.481 suất đinh, chia ra cho 43 xã và 102 thôn. Bình quân chỉ có khoảng 10 dân đinh/làng, thôn, do đó, thu hoạch từ lúa gạo còn ít nên cư dân tìm nguồn lợi khác như săn mật ong, săn thú, bắt chim, đánh bắt cá,…
Vua Tự Đức lên ngôi (năm 1850), kế vị Thiệu Trị đã đặc phái Nguyễn Tri Phương từ Huế vào Nam kỳ lục tỉnh, làm Kinh lược Đại sứ để thanh tra và giải quyết mọi việc quân dân. Đặc biệt, đẩy mạnh phương thức “mở đồn điền, lập ấp” đại quy mô cho xứ Nam kỳ, theo chủ trương của triều Nguyễn.
Việc lập đồn điền thì tiến hành ở những địa phương xung yếu, nhằm bảo vệ cương thổ, cụ thể ở 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên. Do người ở đây còn thưa thớt, nên đề nghị mộ dân từ Bình Thuận trở ra Bắc, để vào Nam làm lính đồn điền trong các cơ, đội. Sau này, khi ổn định, các đồn điền dần chuyển sang thành ấp.
Về chính sách lập ấp, ai mộ được 10 người trở lên thì cho khai khẩn, lập bộ, mộ được trên 30 người sẽ tha xâu thuế trọn đời. Người Hoa, cũng được mộ dân như người Việt.
Sau 16 tháng thực hiện tại Nam kỳ, Nguyễn Tri Phương trình báo lên vua Tự Đức công cuộc khẩn hoang, lập đồn điền, lập ấp mang lại nhiều kết quả thiết thực. Đã khôi phục, lập thành 21 cơ, đội trong đồn điền và có ước chừng 100 làng.
Tra cứu tư liệu xưa, không thấy ghi chép tình hình lập đồn điền, lập ấp ở Kiên Giang và các tổng, thôn, xã trực thuộc. Riêng huyện Long Xuyên (vùng Bạc Liêu, Cà Mau), lập được đội đồn điền, trước khi thực dân Pháp tới chiếm đóng (1867).
Nhìn chung, vào những thập niên giữa cuối thế kỷ XIX, trong thời gian không dài, nhưng thành quả quan trọng nhất của triều Nguyễn ở Nam kỳ là lập được địa bạ 6 tỉnh. Vùng đất Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa thuộc huyện Kiên Giang, trấn Hà Tiên đã có được căn cứ pháp lý về sở hữu ruộng đất, đặt nền móng cho các giai đoạn về sau. Mặt khác, công cuộc lập đồn điền, lập ấp do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đã tác động, tạo ảnh hưởng rộng lớn đến toàn Nam kỳ, trong đó có huyện Kiên Giang.
VỊ THANH