当前位置:首页 > La liga

【trận đấu blackburn】Nghề sửa quần áo

Báo Cà Mau(CMO) Nghề sửa quần áo cũ xuất hiện khá lâu, vào thời vải vóc còn khan hiếm. Ngày nay, tuy ngành may mặc phát triển nhưng nghề sửa quần áo vẫn còn chỗ đứng, vẫn theo chân không ít người trên hành trình mưu sinh, khác chăng là thay vì chỉ có đồ cũ, nay họ sửa thêm đồ mới.

Ông Đinh Bá Cứ (58 tuổi, đường Lý Văn Lâm, Khóm 2, Phường 1, TP Cà Mau) đã hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề sửa quần áo. Với một máy may, hộp đựng kim chỉ, cái kéo và tấm biển nhỏ, ông cần mẫn với công việc, trải qua năm tháng bám trụ với nghề.

Mưu sinh nơi hè phố

Quê tỉnh Hải Dương, ông Cứ cùng gia đình vào Cà Mau lập nghiệp. Cuộc sống ở vùng đất mới còn nhiều khó khăn, lăn lộn đủ nghề để kiếm sống nhưng không thể bám trụ được, ông chuyển sang sửa quần áo cũ. Đến nay ông đã có kinh nghiệm gần 30 năm.

Ông Đinh Bá Cứ với công việc hằng ngày.

Ông Cứ tâm sự, nhờ được vỉa hè của một người quen trên đường Trần Hưng Đạo để hành nghề. Chỉ khoảng 1m2, đủ kê một chiếc máy may, một cây dù che nắng, che mưa. Đây là không gian để mưu sinh của một người thợ.

Với ông Cứ, nghề sửa quần áo không cần không gian rộng, chỉ cần tiện đường qua lại tự khắc sẽ có nhiều người chú ý và thu hút khách. Gần chợ, trường học, tập trung nhiều shop quần áo nên đây là địa điểm thuận lợi để thợ may kiếm sống.

“Mỗi ngày khu vực này có khoảng 10 người kê máy may, mỗi người một góc lề đường để hành nghề. Đây là nghề tự do, không phụ thuộc bất kỳ ai. Công việc tương đối ổn định, mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về. Những ngày hàng nhiều phải đem về nhà làm cả ban đêm. Công việc này mỗi tháng thu nhập khoảng 5 triệu đồng”, ông Cứ bộc bạch.

Chị Đinh Thị Trang, thợ sửa đồ tại chợ Phường 7, TP Cà Mau, cho biết, sửa quần áo là nghề "làm dâu trăm họ”, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, tận tâm để khách hàng vừa lòng. Người thợ phải thoả mãn họ về chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng hẹn, tính giá mềm, có như vậy làm nghề mới lâu bền được.

Theo chị Trang, sự phát triển của ngành may mặc, với nhiều mặc hàng đa dạng, làm cho nhu cầu sửa quần áo mới nhiều hơn quần áo cũ, nhờ vậy nghề sửa quần áo được duy trì đến ngày nay. Đa phần là đồ mới, chỉ lên lai, bóp lưng, nới lưng… làm đơn giản nên tiền công không cao. Dù vậy, vì nghề này lấy công làm lời, ngày đắt hàng bù lại ngày vắng khách nên thu nhập tương đối ổn định.

“Tiền công dao động từ 5.000-15.000 đồng/cái. Với những trang phục đòi hỏi sự phức tạp, thợ lấy từ 30.000-40.000 đồng. Những ngày đắt hàng tôi kiếm được trên 200.000 đồng, mỗi tháng thu nhập từ 5-6 triệu đồng”, chị Trang chia sẻ.

Nuôi con học thành tài

Với vợ chồng ông Cứ, nghề sửa quần áo tuy thu nhập không cao nhưng giúp ông có điều kiện lo cho con cái học hành. “Thấy cha mẹ vất vả mưu sinh, 2 đứa con tôi cố gắng học hành tử tế, 1 đứa thi đậu vào ngành Kế toán, Trường Đại học Bình Dương, 1 đứa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế, hiện đang làm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ”, ông Cứ tự hào.

Tương tự ông Cứ, ông Nguyễn Văn Song, 48 tuổi, có thâm niên làm nghề sửa quần áo hơn 20 năm trên đường phố. Trước đây ông làm công nhân trong xí nghiệp may, sau đó bươn chải đủ nghề kiếm sống, không chịu nổi áp lực công việc, cộng với tuổi cao, mắt kém, ông chuyển sang nghề sửa quần áo đường phố với ước muốn kiếm tiền cho con ăn học. Ông Song hiện có con đang học lớp 9, chăm ngoan, học khá. “Mấy chục năm trời mưu sinh kiếm sống, tiết kiệm từng đồng, cũng chẳng thấy dư, nhưng chuyện học hành của con dứt khoát phải lo”, ông Song bộc bạch.

Kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc cũng là lúc trời nhá nhem tối. Vì gia đình, con cái, họ chẳng bao giờ quản ngại vất vả, gian nan…/.

Kim Liếu

分享到: