(CMO) Theo Nghệ sĩ Hữu Trung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, trong 1 năm của người Khmer có 2 cái tết lớn, tết dành cho người sống là tết chịu tuổi (Cholchnam Thmay), nghĩa là vào năm và cái tết cho người chết, Sene Dolta nghĩa là cúng ông bà (nếu dịch đúng nghĩa lễ này là lễ hội linh).Sene Dolta xuất phát từ 2 câu chuyện thời đức Phật còn tại thế: Vua A Dục trong một đêm ngủ nghe tiếng rên la tất cả các vong linh nên rất hoảng sợ, sáng ra bèn gặp Phật bày tỏ ngọn nguồn và được đức Phật cho biết đó là những ông bà cha mẹ thân nhân nhiều đời chưa đủ phước báu đầu thai, đang đói khát nên đến nhờ ngài quá độ, bằng cách đem cơm, lễ vật đến chùa dâng cho cao tăng để hồi hướng công đức. Vua về sai thuộc hạ làm, lạ thay đêm đó lại càng nghe tiếng rên la nhiều hơn, một lần nữa nhanh chóng đem chuyện lại hỏi đức Phật và được lý giải: Chỉ có bản thân mình trực tiếp hồi hướng thì người thân ông bà của mình mới được giải thoát. Hôm sau nhà vua đích thân dâng cơm, lễ vật lên chư tăng thì quả thật hết nghe thấy tiếng kêu la than khóc. Từ câu chuyện của nhà vua, dân chúng đã tin và thực hiện theo, dần trở thành phong tục Sene Dolta.
Truyện thứ 2, xuất phát từ Ngài Anan, một đệ tử giỏi của thời đức Phật, một ngày nọ ông đi hoá duyên gặp 1 con quỷ mọc nhánh ổi rừng trên đầu và lội ngược dòng nước đi kiếm ăn, bèn hỏi nguyên nhân thì được quỷ cho biết: Kiếp trước quỷ vốn là một thợ săn chuyên săn bắt, ngày nào đám trẻ cũng bâu lại xin ăn, một ngày do không săn được thấy những đứa trẻ tìm đến bèn bẻ những bông hoa ổi rừng nói dối là những bó thịt nướng đưa cho chúng. Từ những kiếp sát sanh, lừa đảo như thế bị đày đọ kiếp Atula. Hiểu rõ ngọn nguồn, Ngài Anan khởi tâm từ bi bèn thưa lại đức Phật và được hướng dẫn cách hoá duyên đem cơm về dâng cho chư tăng hồi hướng thì quỷ sẽ được siêu thoát. Các hoạt động lễ Sene Dolta diễn ra trong 3 ngày (29, 30 tháng 8 và 1 tháng 9 âm lịch). Trước tiên là chuẩn bị các vật phẩm để cúng chùa, chiều 29 làm lễ rước ông bà và ngày 30 và mùng 1 tuỳ gia đình sẽ làm những chiếc bè trên có nhiều vật phẩm thả xuống sông để cúng đưa ông bà về thế giới bên kia. Và một điều đặc biệt trên những mâm cúng người ta sẽ làm bông ổi rừng tượng trưng để nhắc nhớ về tích truyện ngày xưa. Trong dịp tết đặc biệt này, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị chương trình nghệ thuật thiên về những nét độc đáo cổ truyền dân tộc để biểu diễn phục vụ đồng bào của mình. Ngoài các tiết mục ca múa, trích đoạn dù kê khoảng 30 phút, điểm nhấn đặc biệt của chương trình là 2 tiết mục múa được dàn dựng công phu: Bài múa Bảy sắc cầu vồng và múa dân gian thể hiện nghi thức gói bánh nhân. Bảy sắc cầu vồng thuộc thể loại múa cổ điển miêu tả 7 nàng tiên đang dạo chơi múa hát, thể hiện sự duyên dáng, lột tả nét đẹp chân phương, đằm thắm của nàng tiên hay rộng hơn là ca ngợi cái đẹp của phụ nữ, hoà cùng những điệu múa là dàn nhạc cụ dân tộc như đàn pinh, bộ gõ, bộ trống. Tiết mục múa dân gian không kém phần đặc sắc diễn tả nghi thức gói bánh có nhân (bánh tét) của người Khmer, đây là loại bánh cổ truyền thường được dâng cúng ông bà và sử dụng trong các dịp lễ tết. "Mục đích của chương trình nghệ thuật hướng đến là mong muốn làm sống lại sân khấu dù kê, cho khán giả thấy được nghệ thuật Khmer không chỉ xuất thân từ dân dã mà lúc nào cũng đẹp, phong phú từ trí tưởng tượng, tinh thần lạc quan của người xưa. Vừa truyền bá được văn hoá của dân tộc Khmer với các dân tộc bạn, vừa lưu giữ được nét văn hoá truyền thống tốt đẹp rất đáng tự hào", ông Hữu Trung chia sẻ./. Phúc Trần |