UBND TPHCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với đề nghị của Sở Công Thương về kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực,ỷđồnghànghóachuẩnbịchoTếtĐinhDậtile bda thực phẩm thiết yếu Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn.
Theo kế hoạch, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính: Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm từ 30-40% thị phần; các chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần; các đơn vị khác chiếm 10-20% thị phần.
Nguồn vốn dự kiến mà các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho dịp Tết Đinh Dậu 2017 khoảng 17.068 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là gần 6.852 tỷ đồng.
Lượng hàng chuẩn bị tăng 15-20% so kế hoạch thành phố giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 35-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)…
Trong tháng cao điểm phục vụ Tết (từ 29/12/2016 đến 27/1/2017), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 9.704 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 3.764 tỷ đồng. Riêng, Saigon Co.op chuẩn bị 105.000 tấn hàng hóa, trị giá trên 3.084 tỷ đồng (hàng bình ổn trị giá trên 938 tỷ đồng)
Tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 8.500 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, chiếm khoảng 60-70% thị trường. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Các đơn vị khác gồm các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2-3 lần so với tháng thường.
Giá cả ổn định, nhiều khuyến mại hấp dẫn
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đều đã cam kết với Sở Công Thương Thành phố giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN trên địa bàn sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.
Các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt…
Nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa Tết, các hệ thống siêu thị tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố sẽ kéo dài thời gian phục vụ khách hàng.
Cụ thể: Từ ngày 20-27/12 âm lịch: Mở cửa từ 7h đến 23h đêm. Từ ngày 27-29/12 âm lịch: Mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm. Ngày 30 Tết Nguyên đán: Mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Mùng 6 Tết Nguyên đán hoạt động kinh doanh bình thường.
Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Đinh Dậu, Sở Công Thương TPHCM sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND 24 quận, huyện nắm chắc diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn.
Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định chương trình, điểm bán, quản lý hàng hóa, giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức triển lãm hàng gian, hàng giả để người tiêu dùng phân biệt, nhận biết được hàng gian, hàng giả...
Theo Chinhphu.vn