Bà “Út than” giàu nghĩa tình
Là hội viên Chi hội 3,ụnữBigravenhPhướclantỏahagravenhđộngđẹmay88 top Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, nhiều năm nay bà Lê Thị Đổi (1958) được bà con gọi bằng cái tên thân mật “Út than”. Bà Đổi hóm hỉnh cho biết: Hổng phải tui hay than thở, mà là hồi xưa tui làm nghề bán than. Nói tới bán than là mọi người biết tui khổ như thế nào rồi!
Từ tỉnh Bến Tre lên Bình Phước lập nghiệp, ban đầu cuộc sống gia đình bà Đổi rất khó khăn. Bà Đổi bươn chải đi làm thuê và gói bánh tét bán kiếm tiền lo cho các con. Năm 2004, bà Đổi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ và được chi hội cho vay 2 triệu đồng để làm vốn buôn bán. Từ số vốn ban đầu ít ỏi, bà Đổi mua đi bán lại những mặt hàng nông sản ở địa phương. Nhờ chịu khó tiết kiệm, biết tính toán làm ăn, dần dần bà “mát tay” trở thành chủ vựa nông sản ở huyện Bù Đăng.
Bà Lê Thị Đổi (trái) thăm và tặng quà bà Điểu BRé lớn tuổi, không còn sức lao động ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng)
Bà Đổi cho rằng, gia đình mình chỉ ổn định kinh tế khoảng 4 năm gần đây. Khi “thảnh thơi đôi chút” bà có thời gian chia sẻ với bà con, chị em sống xung quanh. Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, bà Đổi sẵn sàng hỗ trợ, giúp chị em những điều kiện cần thiết để vượt qua đói nghèo. Dẫn chúng tôi đến nhà bà Điểu BRé (thôn Bom Bo), người thường xuyên được bà hỗ trợ gạo hằng tháng, bà Đổi nói: “Chị Điểu BRé đã 70 tuổi, không có con cháu nuôi, xưa nay ở nhờ nhà em gái. Nay được Nhà nước xây tặng nhà tình thương thì tôi cũng góp chút sức tặng gạo cho chị an tâm mà sống. Cái tuổi này rồi mà chị còn phải đi làm thuê, sức khỏe yếu, nhìn thấy thương quá nên tôi giúp thôi”. Tại nhà ông Phan Văn Bé Hai (thôn Bom Bo), thăm vợ ông Hai là bà Trần Thị Lệ bị tai biến phải nằm một chỗ, bà Đổi động viên: “Vợ chồng nghĩa tình nhứt là lúc này đây, nên anh đừng có nặng lời mà chị buồn. Thỉnh thoảng tui tới thăm, có gì tui tặng nấy, đừng lo nhiều nghen!”. Bà Đổi kể thêm, ngày trước bà với vợ chồng ông Bé Hai chung nghề nấu bánh tét bán nên hiểu hoàn cảnh nhau. Biết đồng hương gặp chuyện không may, bà tìm tới san sẻ bớt phần nào khổ cực.
Chỉ tay về chiếc ôtô cũ vừa mua lại cách đây vài tháng, bà Đổi nói: “Tôi mua cái xe này để làm phương tiện đi lại và chủ yếu khi bà con chẳng may bị ốm đau, bệnh tật đột xuất đi cấp cứu”. Và chắc cũng không nhiều người biết được rằng để có tiền mua xe, bà Đổi phải “sống hà tiện”. Hiện bà Đổi ăn chay trường, trồng rau sạch bán cho người dân, ngày ngày đối mặt với bệnh tim và lấy niềm vui của mọi người làm năng lượng sống cho bản thân.
Bà Đổi được nêu gương “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” càng làm cho phong trào phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần thực hiện đời sống văn hóa theo phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Lan tỏa điều tốt trong cộng đồng
Theo thống kê của UBND xã Bình Minh, trong 2 năm 2014-2015, bà Đổi đã giúp 5.800kg gạo, 580 phần quà trị giá 82 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ đặc biệt khó khăn. Năm 2016, bà Đổi đóng góp 10 triệu đồng sửa đường bê tông, tặng 1.300kg gạo cho phụ nữ nghèo và bếp cơm từ thiện. Năm 2017, bà đóng góp 25 triệu đồng làm đường bê tông, 10 triệu đồng sửa đường, tặng 200 phần quà tết trị giá 50 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ khó khăn ăn tết. Năm 2018, tặng 250 phần quà tết, trị giá 62,5 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Năm 2019, đóng góp 430 triệu đồng làm đường bê tông xi măng tại tổ 5, thôn 3, xã Bình Minh và 2 triệu đồng xây nhà bia tưởng niệm. |
Bằng nhiều cách làm, hình thức mới, phong phú, sinh động gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” 2 năm qua được các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh tích cực hưởng ứng và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Đặc biệt, các mô hình tiết kiệm là sự cụ thể hóa sinh động của phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện tốt tiêu chí “không đói nghèo” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Thông qua mô hình “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, các cơ sở hội có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ, địa phương, đơn vị. Mô hình được triển khai với nhiều loại hình tiết kiệm như: nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, tiết kiệm 5.000 đồng vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm 1 ngày lương, tổ tín dụng tiết kiệm, tổ xoay vòng vốn, tổ tương trợ vốn, hỗ trợ bằng hiện vật (vàng, cây - con giống, phân bón, ngày công lao động...), tiết kiệm qua các nguồn vốn vay (vốn ngân hàng chính sách xã hội, vốn phi chính phủ, vốn vì quê hương)... đã thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo hội viên phụ nữ, sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Theo thống kê tổng các loại hình tiết kiệm trong tổ chức hội là 67.540 triệu đồng, nâng tổng dư tiết kiệm hiện nay hơn 153.638 triệu đồng với hơn 163.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm, đã giúp trên 20.000 hội viên, phụ nữ (trong đó có 2.280 hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số) giải quyết khó khăn, đầu tư phát triển kinh tế.
Phương Dung