|
Cổ đông HVG bức xúc
Khi DN rơi vào thời kỳ khó khăn, khiến thị phần, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ, bên cạnh áp lực tìm hướng giải quyết khó khăn để ổn định và tạo đà phát triển cho DN trong các năm tới, thì việc xoa dịu cổ đông, nhà đầu tư để họ có thể hiểu và thông cảm, từ đó đồng lòng, chung sức vực dậy DN là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Ban lãnh đạo DN.
Theo đó, ĐHCĐ thường niên là sự kiện quan trọng nhất trong năm đối với một CTCP, bởi đây là thời điểm mà Ban lãnh đạo DN và cổ đông, nhà đầu tư cùng ngồi lại với nhau để đánh giá quả hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính trong năm, cũng như đưa ra các định hướng, kế hoạch quan trọng trong tương lai của DN.
Có đại hội, cổ đông hồ hởi khi DN đạt kết quả kinh doanh tốt, nhưng cũng có đại hội diễn ra trong không khí căng thẳng khi cổ đông thể hiện sự bức xúc, chất vấn lãnh đạo DN khi tình hình kinh doanh của DN không đạt kỳ vọng, nhất là với DN có thông tin bất lợi, làm suy yếu kết quả kinh doanh.
Chủ tịch HVG, ông Dương Ngọc Minh đã gửi lời xin lỗi đến cổ đông tại đại hội năm 2017, đồng thời chia sẻ, tại thời điểm cổ đông hỏi về hiệu quả kinh doanh, HVG đã không thể trả lời ngay được…
Chẳng hạn, CTCP Hùng Vương (HVG) được xem là một trong những DN hàng đầu trong lĩnh vực cá tra, liên tục duy trì lợi nhuận trên 200 tỷ đồng hàng năm. Thế nhưng trong niên độ tài chính năm 2016, doanh thu của HVG bất ngờ “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng sau kiểm toán, khiến Công ty lỗ ròng 49 tỷ đồng trong năm này.
Tại ĐHCĐ diễn ra tháng 4 vừa qua, cổ đông đã thể hiện sự bức xúc khi không nhận được phản hồi xác đáng từ phía Công ty về tình hình hoạt động của HVG, trong khi giá cổ phiếu liên tục sụt giảm về dưới mệnh giá.
Cổ đông cho rằng, thời điểm trước đó, lãnh đạo HVG đã rất tự tin với kế hoạch đề ra, nhưng khi DN bị lỗ lại im lặng, không giải trình.
“Đó chính là sự thiếu trách nhiệm của Ban lãnh đạo HVG”, một cổ đông khẳng định.
“Chỉ 1 tháng sau Brexit, nhập khẩu của HVG đã giảm tới 30 triệu USD”, ông Minh nói và cho biết, khoảng thời gian cổ đông gửi thắc mắc đến HVG cũng là lúc Công ty và các DN cùng ngành đang “quay cuồng” giải quyết hậu quả, chỉ riêng việc làm việc với các ngân hàng về nợ lãi cũng đã “toát mồ hôi hột”.
“Đây là trường hợp bất khả kháng, Công ty trở tay không kịp, chứ không phải cố tình che dấu cổ đông”, ông Minh phân trần. Cổ đông VNS lo lắng.
Cạnh tranh với các hãng taxi nước ngoài, cụ thể là Grap và Uber, là chủ đề nóng tại ĐHCĐ của CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS), khiến Đại hội kéo dài từ 8h30 sáng đến hơn 13h trưa mới kết thúc.
Nhiều cổ đông bày tỏ lo lắng về việc mất dần thị phần của VNS. Các cổ đông cho rằng, lãnh đạo VNS dù nhận ra sức ép từ đối thủ, nhưng phản ứng chậm, thiếu quyết liệt, khiến tổn hại đối với Công ty ngày càng lớn.
Theo ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT VNS, các con số kế hoạch trình ĐHCĐ chỉ là dự báo, trong khi mỗi tháng, biến động doanh thu của VNS có thể lên tới vài chục, đến cả trăm tỷ đồng.
Ông Thành cho biết, VNS cũng như 10.000 người lao động của Công ty dự tính sẽ cùng khởi kiện Grap, Uber vì cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, theo các cổ đông, điều mà VNS cần thực hiện trước tiên là cải tiến công nghệ, tham khảo mô hình xe sạch, thân thiện môi trường, liên doanh-liên kết với bên ngoài, tuyển thêm nhân sự giỏi để nâng cao khả năng quản lý và vận hành, cũng như chất lượng phục vụ…, thay vì theo đuổi việc kiện tụng, vừa tốn kém thời gian, chi phí, mà chưa chắc đạt hiệu quả... Và câu chuyện của FCM, DHT...
Thường xuyên có sự sai lệch về kế hoạch, cũng như kết quả thực hiện hàng năm, ĐHCĐ thường niên vừa qua của CTCP Khoáng sản FECON (FCM) cũng diễn ra trong không khí “gay cấn”, khi cổ đông liên tục chất vấn Ban lãnh đạo FCM về việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 thấp so với thực hiện năm 2016.
Tương tự, cổ đông của CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) cũng đặt câu hỏi cho lãnh đạo DHT vì sao “cài số lùi” kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2017…
Ngoài kết quả hay kế hoạch kinh doanh, còn nhiều vấn đề khác mà cổ đông đưa ra để chất vấn Ban điều hành DN như cổ tức, giá cổ phiếu, kế hoạch đầu tư...
Với mỗi chất vấn, có câu trả lời xác đáng, thỏa mãn được cổ đông, song cũng có câu trả lời không nhận được sự đồng tình, thậm chí có DN còn tìm cách né tránh việc phúc đáp bằng cách kéo dài thời gian, hay phản hồi bằng email...
Nhưng dù trả lời bằng hình thức nào, điều mà cổ đông cần là sự rõ ràng, minh bạch về thông tin của DN, bên cạnh tâm huyết của lãnh đạo DN với sự phát triển bền vững của công ty. |