(CMO) Cà Mau hiện có 186 hợp tác xã (HTX). Thời gian qua, năng lực hoạt động của các HTX ngày càng nâng cao, hoạt động theo chiều sâu, không ngừng cải thiện.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho biết: Nhiều HTX mạnh dạn sản xuất lúa an toàn, nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, ứng dụng công nghệ vào sản xuất như nuôi tôm siêu thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, lót bạt, Biofloc… Những HTX điển hình Sau gần 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, từ lúc có 27 thành viên, đến nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đã có 65 thành viên và hiện có nhiều người dân tự nguyện làm đơn xin gia nhập HTX. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn Nguyễn Trường Đời chia sẻ: “Trước việc nông dân xã Khánh Bình Tây Bắc thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, trong một lần không bán được lúa do số lượng ít, chủ thu mua 1 lần không đủ ghe, thấy vậy tôi gọi nhiều người bán lúa cùng lúc. Rồi qua tivi thấy mô hình kinh tế tập thể (KTTT) phát triển, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi xin thành lập HTX". Sau đó, ông Đời liên hệ với Công ty Nông sản thực phẩm Cà Mau tạo đầu ra cho nông sản với giá thành cao hơn thị trường 200 đồng/kg, từ đó tạo niềm tin cho bà con. Cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, ông được tiếp cận với nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) cung ứng nguyên liệu đầu vào và đầu ra với giá lúa ổn định. Ông Nguyễn Trường Đời cho biết thêm: Năm 2018, HTX nhận được giấy chứng nhận 1451 về sản xuất an toàn của Sở NN&PTNT và ông có cơ hội tham dự hội nghị cùng Liên minh HTX tại Cần Thơ, lúc này ông tiếp cận được các công ty phân bón, các DN xuất khẩu gạo, sau đó xuất khẩu gạo sang châu Âu, Hàn Quốc, Philippines. Được thành lập từ năm 2013, đến nay HTX Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước có 127 thành viên. Trong đó, có 30 ha của 35 thành viên đạt tiêu chuẩn ASC của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản, 348 ha của 54 thành viên đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc HTX Cái Bát Nguyễn Hoàng Ân cho biết: HTX được công ty thuỷ sản ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và được Sở NN&PTNT làm cầu nối với các công ty cung cấp vật tư đầu vào, từ đó giúp HTX phát triển ổn định hơn, nhất là hiệu quả trên từng đối tượng nuôi, các sản phẩm dịch vụ của HTX cũng được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Hoàng Ân cho biết thêm: Hiện nay, HTX đã thành lập tổ, nhóm phụ nữ tạo sinh kế để phát triển và chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu HTX đang có như tôm khô, tôm chà bông, mắm tôm, bánh phồng tôm… Những sản phẩm này được UBND tỉnh chọn tham gia hội chợ triển lãm của Bộ NN&PTNT. Theo ông Nguyễn Hoàng Ân, đến nay HTX có sự phát triển vững chắc như lộ trình ban quản trị đề ra. Đạt được điều này là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mở các lớp tập huấn, hội thảo cho các thành viên tiếp cận khoa học - kỹ thuật và đảm bảo môi trường sản xuất. Nhiều thành viên được đi tham quan học hỏi ở các tỉnh bạn và phát triển mô hình nuôi tôm sạch, chế biến chả cá phi, tôm chà bông… Yên tâm nhất là được các DN ký kết hợp đồng cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Khó tiếp cận nguồn vốn Ông Đỗ Văn Sơ nhận định: Trên bình diện chung, HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, huy động vốn điều lệ gặp nhiều khó khăn, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản phẩm còn ít, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước ban hành nhiều nhưng HTX khó tiếp cận, do không hội đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách đó. Thực tế qua 15 năm thực hiện hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đối với khu vực KTTT, đến cuối năm 2018 doanh số cho vay chỉ hơn 2,7 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khu vực KTTT đạt 600 triệu đồng, tham gia cho vay đối với khu vực KTTT chủ yếu là Ngân hàng TMCP Công Thương và Ngân hàng Chính sách - Xã hội.
Ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, cho biết: Tuy đã có Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng khu vực KTTT nói chung, HTX nói riêng trong tỉnh hầu hết chưa tiếp cận được vốn vay cả tín chấp và thế chấp. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các tổ chức KTTT, HTX không có tài sản đảm bảo vốn vay; Kế toán tài chính và mô hình tổ chức không rõ ràng, quản trị điều hành còn nhiều hạn chế. Phần lớn các HTX sử dụng vốn vay không hiệu quả, vay rồi đến hạn không trả được nợ, các ngân hàng cho vay phải xử lý rủi ro. Từ đó, những năm gần đây các ngân hàng trên địa bàn tỉnh rất dè dặt đối với cho vay khu vực KTTT, HTX. Theo ông Trần Quốc Khởi, khó khăn lớn nhất đối với cho vay khu vực KTTT, HTX là do khu vực này không đủ vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất kinh doanh theo tỷ lệ quy định của các ngân hàng thương mại, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các HTX, tổ hợp tác chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định: Thực tế thời gian qua vốn tự có của HTX hạn chế, nên rất ít HTX tiếp cận được vốn vay. Tỉnh Cà Mau có quỹ hỗ trợ HTX nhưng nguồn vốn không nhiều. Khó nhất hiện nay của tỉnh là HTX dịch vụ, tài sản không có, tài sản thế chấp chủ yếu là đất đai nhưng không có đất để thế chấp. Chính phủ cũng tạo điều kiện cho HTX vay vốn tín chấp nhưng năng lực, phương án sản xuất kinh doanh của HTX còn vướng. Ông Nguyễn Trường Đời cho rằng, HTX kiểu mới hoạt động như 1 DN gồm nhiều bộ phận, vì vậy để nâng cao hoạt động của HTX, tỉnh cần mở lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ HTX, tiếp tục ưu tiên sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học về làm việc cho HTX. Song song đó, Nhà nước tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX về dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng và rất mong Nhà nước hỗ trợ HTX nông nghiệp đầu tư lò sấy. Có như vậy chất lượng lúa mới được đảm bảo khi thu hoạch vào những lúc trời mưa. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX tham gia hội nghị xúc tiến thương mại để họ có cơ hội tiếp cận các công ty, DN cung ứng đầu vào cũng như đầu ra, giúp họ có nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào cũng như nơi tiêu thụ sản phẩm. Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Đằng chỉ đạo, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ phải thấy được việc phát triển HTX là biện pháp quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không hiệu quả hiện nay. Từ đó, để người đứng đầu quan tâm, ưu tiên chỉ đạo phát triển. Chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển được Trung ương ban hành, đồng thời đề xuất HĐND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với đặc điểm, tình hình sản xuất kinh doanh của tỉnh để khuyến khích hình thành nhiều HTX, hỗ trợ khắc phục khó khăn. Các chính sách cần hướng đến hỗ trợ toàn diện HTX, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực tài chính, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, năng lực quản trị cho các HTX./. Hồng Phượng |