(CMO) Khi đang lưu thông trên đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện, vừa nghe điện thoại. Đây là một thói quen xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, chiếc điện thoại luôn là một trong những thứ không thể thiếu đối với mỗi người. Sẽ chẳng có chuyện gì để bàn nếu chúng ta sử dụng chúng hợp lý mà không ảnh hưởng đến người khác.
Người điều khiển phương tiện giao thông lưu thông trên đường vô tư sử dụng điện thoại. |
Và không biết có phải vì tiết kiệm chút thời gian hay do sự lơ đãng, vô tình mà nhiều người thản nhiên sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Và hình ảnh trên xuất hiện thường xuyên trước mắt mọi người. Người vi phạm thì đủ thành phần, đây là hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, thì trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện cơ giới đường bộ, việc sử dụng điện thoại di động bằng một tay (tay còn lại điều khiển xe) sẽ khiến cho người lái giảm khả năng xử lý tình huống cũng như không tập trung hoàn toàn vào việc điều khiển xe. Từ đó có thể dẫn đến nguy cơ va chạm hoặc tai nạn giao thông.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định rất rõ về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ này bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.
Thói quen sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vấn đề không lớn nhưng không hề nhỏ. Vì an toàn cho mình và người khác cần phải từ bỏ ngay thói quen này nhằm tránh ảnh hưởng đến đến bản thân và mọi người xung quanh.
Lê Chí