Số hụt thu so với báo cáo giảm sâu, khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng Theo ông Võ Thành Hưng, dự toán thu NSNN năm 2020 Quốc hội quyết định là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, chỉ số lạm phát không quá 4%, giá dầu thô 60 USD/thùng. Trên cơ sở kết quả thu ngân sách thực tế 9 tháng đầu năm (đạt 64,5% dự toán) và qua thảo luận với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ước thực hiện thu NSNN năm 2020 là 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng ( giảm 12,5%) so dự toán. Tính đến hết ngày 30/12/2020, thu NSNN đạt 1.453 nghìn tỷ đồng, bằng 96% dự toán, tăng 130 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Ước thực hiện cả năm 2020, thu NSNN đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% (hụt 30,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5%GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9%GDP. Trong đó: thu nội địa đạt 1.264,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 148,6 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu tiền sử dụng đất vượt 69,4 nghìn tỷ đồng, thu tiền cho thuê đất vượt 11,4 nghìn tỷ đồng, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế vượt 18,5 nghìn tỷ đồng so dự toán... Trong khi các khoản thu lớn từ hoạt động sản xuất - kinh doanh không đạt dự toán, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 82,6%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 89,4%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 88,8%, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 88,5% dự toán. Số thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của ngân sách trung ương (NSTW) chỉ đạt 16,7/45 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán (tính cả 26,1 nghìn tỷ đồng Quốc hội bổ sung dự toán ghi thu, ghi chi NSTW năm 2020, thì tổng số thu đạt 42,8 nghìn tỷ đồng). Thu từ dầu thô đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7% (hụt 800 tỷ đồng) so dự toán, tăng 1,9 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Sản lượng dầu thô ước đạt 9,56 triệu tấn, tăng 540 nghìn tỷ đồng tấn so kế hoạch; giá dầu bình quân đạt 45,7 USD/thùng, giảm 14,3 USD/thùng so dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 178 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% (hụt 30 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 8 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Trong tổng số thu NSNN nêu trên, thu NSTW ước đạt 779,4 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5% dự toán, tăng 54,4 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, nhưng loại trừ các khoản ghi thu, ghi chi thì vẫn hụt 99,2 nghìn tỷ đồng so dự toán (đã báo cáo Quốc hội ước hụt thu 126,8-165,3 nghìn tỷ đồng). Thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 702,2 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% (vượt 41,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 104,1 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội; ước tính có 55/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, 8 địa phương không đạt dự toán, bao gồm các địa phương trọng điểm thu, như: thành phố Hồ Chí Minh đạt 90,1%, Vĩnh Phúc đạt 94,7%, Đà Nẵng đạt 71,7%, Quảng Nam đạt 90%, Quảng Ngãi đạt 74,3% và Khánh Hòa đạt 70,7%. Theo ông Võ Thành Hưng, trong điều kiện năm 2020 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91% (thấp hơn nhiều so mục tiêu 6,8%), đồng thời thực hiện gia hạn, hoặc miễn giảm tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí khoảng 128 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thì hiệu quả thu ngân sách như trên là rất tích cực. Nhờ sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống cơ quan thuế và hải quan, nên số thu NSNN trên địa bàn ở các địa phương và số thu cân đối NSĐP đều cơ bản đạt và vượt dự toán. Số vượt thu so với dự toán chủ yếu ở các khoản thu tiền sử dụng đất. Không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, có 29/63 địa phương vượt dự toán thu cân đối NSĐP, 34/63 địa phương hụt thu, trong đó nhiều địa phương trọng điểm thu, như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh. Chi ngân sách hiệu quả Về chi ngân sách, theo ông Võ Thành Hưng, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ, trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp mạnh mẽ đảm bảo cân đối NSNN năm 2020. Theo đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương chủ động quản lý điều hành chi ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; dành khoảng 25,3 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang sang năm 2020 để chi phòng chống dịch và xử lý cân đối NSTW năm 2020. Đến ngày 30/12, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ 12,95 triệu người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. NSTW đã sử dụng gần 12,4/17,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, đầu tư các dự án khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai... Về giải ngân vốn đầu tư công, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, ước tính đến ngày 31/12/2020 chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (tính cả kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020 và số kế hoạch giao bổ sung trong năm, thì đạt 73,03% kế hoạch được giải ngân năm 2020). Phấn đấu đến ngày 31/01/2021, thời điểm cuối cùng khóa sổ hạch toán chi NSNN năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 92-93% dự toán (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang năm 2020, thì tỷ lệ giải ngân đạt 85-86%). Bội chi NSNN năm 2020 được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ thu NSNN khả quan hơn và triệt để tiết kiệm các khoản chi, nên bội chi NSNN ước khoảng 265 nghìn tỷ đồng (tăng 30,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán), tương ứng khoảng 4,2% GDP ước thực hiện, trong phạm vi Quốc hội cho phép điều chỉnh (dưới 4,5% GDP). Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,9% GDP (năm 2019 là 55% GDP), nợ Chính phủ khoảng 49,7% GDP (năm 2019 là 48% GDP), trong phạm vi giới hạn cho phép. Theo ông Võ Thành Hưng, đến nay có thể khẳng định nhiệm vụ NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Thu NSNN đạt cao hơn mức đánh giá báo cáo Quốc hội, có thêm nguồn lực chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; chi NSNN được điều hành chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, trong phạm vi dự toán; bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội cho phép. Kết quả trên đã góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - NSNN 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội./. Minh Anh |